Thoát vị chân rốn là gì?
- Thoát vị chân rốn là hiện tượng một phần của cơ quan trong ổ bụng (ví dụ: ruột, mạc nối…) trồi ra ngoài ổ bụng bên trong chân của dây rốn khi trẻ vừa sanh ra đời (hình 1). Các cơ quan này vẫn còn được che phủ bởi một màng trắng mỏng (trẻ sơ sinh).
- Nguyên nhân thường là do bẩm sinh khi cơ thành bụng tại lỗ rốn bị khiếm khuyết và không đủ sức giữ các tạng dưới áp lực của ổ bụng.
- Thường kèm theo những dị tật của tim mạch, thận niệu, thần kinh, tiêu hóa, xương…
Triệu chứng
- Thoát vị chân rốn ở sơ sinh thường rất rõ ràng, trẻ sinh ra có túi thoát vị to ở rốn, trong túi thoát vị có các tạng trong ổ bụng như ruột non, ruột già, dạ dày, gan…
- Khoảng 15% số trường hợp bị vỡ túi thoát bị khi sanh làm ruột và các tạng lộ hẳn ra ngoài.
Chẩn đoán
- Thoát vị chân rốn sơ sinh có thể chẩn đoán được trong thời kì tiền sản khi mẹ siêu âm thai.
- Nếu không cũng sẽ được chẩn đoán dễ dàng khi bé chào đời.
Điều trị thoát vị chân rốn ở trẻ sơ sinh
- Chuẩn bị trước mổ: Đặt sonde dạ dày giải áp, đặt nội khí quản giúp thở nếu có suy hô hấp, giữ thân nhiệt, bù nước, điện giải và cho kháng sinh nếu túi thoát vị vỡ.
- Các xét nghiệm tiền phẫu như chức năng đông máu, nhóm máu, ion đồ… cũng được thực hiện.
- Các xét nghiệm truy tìm dị tật đi kèm: siêu âm tim, siêu âm bụng, siêu âm xuyến thóp…
- Phẫu thuật khẩn đưa tạng thoát vị vào ổ bụng, khâu phục hồi thành bụng nếu được (hình 2).
- Khi túi thoát vị quá to:
- Túi thoát vị không vỡ: được bôi chất kháng khuẩn giúp sẹo hóa bao thoát vị cứu sống trẻ và thuật phẫu phục hồi thành bụng khi trẻ trên 2 tuổi
- Túi thoát vị vỡ, không phục hồi thành bụng được phải đặt túi bằng chất dẽo (SILO) (hình 3) cho đến khi các cơ quan thoát vị trở về hết trong ổ bụng thì sẽ đóng bụng. Thường sẽ mất 1-3 tuần.
- Một số rất ít các trường hợp không thể phục hồi bằng các cách trên, bệnh nhi được sử dụng hệ thống hút áp lực âm liên tục giúp mô bao phủ tạng thoát vị cứu sống trẻ
Chăm sóc sau mổ:
- Trẻ sẽ được nhịn ăn và nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch trong vài ngày (48h). Khi nhu động ruột tái lập, trẻ sẽ được cho uống lại dần.
- Trẻ được chích thuốc giảm đau đường tĩnh mạch. Kháng sinh được duy trì nhằm tránh nhiễm trùng nhất là trường hợp đặt túi chất dẽo và không phục hồi thành bụng được bằng 1 lần mổ.
Theo dõi và tái khám
- Tái khám để phát hiện các biến chứng và hẹn ngày phục hồi thành bụng nếu chưa được thực hiện
- Tái khám theo chuyên khoa có dị tật đi kèm
Tài liệu tham khảo
- Stig Somme, Jacob C. Langer (2006), Omphalocele, Pediatric Surgery, pp: 153-170.
- Thomas R. Weber (2010), Umbilical and Other Abdominal Wall Hernias, Ashcraft’s Pediatric Surgery, pp: 637-640.
Be the first to comment