Thông liên thất

Đại cương

  • Thông liên thất (TLT) là tổn thương bẩm sinh do khiếm khuyết một hay nhiều nơi trên vách liên thất khiến có sự thông thương giữa hai tâm thất (hình 1).
  • Thường gặp thông liên thất phần màng.
  • Bệnh thường gặp nhất trong các dị tật tim bẩm sinh chiếm tỷ lệ 25% trong các bệnh tim bẩm sinh.
Hình 1: Thông liên thất

Triệu chứng lâm sàng

  • Mệt, khó thở khi gắng sức.
  • Sốt ho tái phát nhiều lần do viêm phổi
  • Chậm lớn, chậm biết đi.
  • Khám tim: diện tim lớn hay bình thường. Sờ có thể có rung miêu tâm thu. Âm thổi tâm thu cường độ thay đổi, âm sắc trung bình hay cao, nghe rõ ở khoảng liên sườn IV trái bờ ức, có thể lan ra xung quanh. T2 vang mạnh nếu có tăng áp phổi.
  • Khám tìm các dấu hiệu suy tim.
  • Khám tìm dấu hiệu viêm nội tâm mạc nếu bệnh nhân có sốt kéo dài.
  • Khám phổi để phát hiện nhiễm trùng phổi đi kèm

Chẩn đoán

  • Chẩn đoán xác định dựa vào siêu âm tim (hình 2). Siêu âm tim giúp đánh gia chức năng tim, tình trạng cao áp phổi và những dị tật phối hợp.
  • ECG, X quang ngực.
Hình 2: Hình ảnh siêu âm tim thông liên thất

Điều trị

Nguyên tắc

  • Đóng lỗ thông (bằng phẫu thuật hoặc thông tim can thiệp).
  • Phòng ngừa và điều trị các biến chứng nội khoa.

Nội khoa

  • Điều trị suy tim nếu có
  • Điều trị nhiễm trùng hô hấp nếu có
  • Điều trị suy dinh dưỡng
  • Phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
  • Những trường hợp tăng áp động mạch phổi nặng (hội chứng Eissenmenger, áp lực ĐMP tâm thu ≥ áp lực hệ thống), có thể chỉ định điều trị với Sildenafil uống 0,3 mg/kg/3-6 giờ (tối đa 1 mg/kg/liều). Sau 4 tuần nếu không đáp ứng sẽ ngừng sử dụng.

Điều trị thông tim can thiệp đóng lỗ thông: (hình 3)

  • Thông liên thất cơ bè lớn, còn shunt trái-phải, gây lớn thất trái hoặc nhĩ trái hoặc tỉ số Qp/Qs ≥2:1, rìa động mạch chủ >4 mm
  • Thông liên thất phần màng lớn, còn shunt trái-phải, gây lớn thất trái hoặc nhĩ trái hoặc tỉ số Qp/Qs ≥2:1, cân nặng >5kg, rìa động mạch chủ >2 mm
  • Thông liên thất lỗ nhỏ, phần màng (rìa động mạch chủ >2 mm) hoặc cơ bè (rìa động mạch chủ >4 mm), nhưng không còn khả năng tự đóng (>8 tuổi) hoặc từng có tiền căn viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
Hình 3: Can thiệp nội mạch đóng lỗ thông liên thất

Phẫu thuật

  • Chỉ định phẫu thuật:
    • TLT lỗ nhỏ phần tiếp nhận và phần phễu.
    • TLT lỗ lớn ở vị trí bất kỳ còn shunt trái-phải, suy tim, chậm phát triển thể chất, thường xuyên nhiễm trùng phổi
  •  Phẫu thuật: đóng lỗ thông liên thất.

Tái khám

Sau khi đóng lỗ thông bằng dụng cụ:

  • Uống Aspirin chống đông máu trong 6 tháng.
  • Tái khám, theo dõi lâm sàng và siêu âm tim định kỳ vào các thời điểm 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng sau khi đóng lỗ thông bằng dụng cụ.

Sau phẫu thuật:

  • Tái khám định kỳ, khám lâm sàng, ECG, X-quang ngực và siêu âm tim
  • Những trường hợp có suy tim, cao áp phổi trước phẫu thuật sẽ tiếp tục điều trị sau phẫu thuật cho tới khi các triệu chứng biến mất

Tài liệu tham khảo

  • https://www.heart.org/en/health-topics/congenital-heart-defects/about-congenital-heart-defects/ventricular-septal-defect-vsd
  • Constantine Mavroudis, Carl Backer, Richid F. Idriss. 2012. Pediatric Cardiac Surgery. Blackwell.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*