Túi thừa Meckel là gì?
- Trong giai đoạn bào thai, trong cuốn rốn của thai nhi có nhiều cấu trúc khác nhau bao gồm mạch máu cuống rốn, ống noãn hoàn và ống niệu rốn… Ruột của thai nhi thông nối với túi noãn hoàn qua ống noãn hoàn và cấu trúc này sẽ tiêu biến đi khi trẻ được sinh ra.
- Ở khoảng 2% dân số, ống noãn hoàn không tiêu biến hoàn toàn hình thành túi thừa Meckel’s, đa số hoàn toàn không có biểu hiện bệnh lí gì. Một số ít biểu hiện bệnh nặng và có thể phải can thiệp phẫu thuật.
Triệu chứng
- Nếu ruột thông thương hoàn toàn với thành bụng, phân có thể thoát ra tại rốn làm viêm, ướt rốn và được chẩn đoán dễ dàng.
- Nếu chỉ có dây xơ hoặc không dính với thành bụng, biến chứng của túi thừa Merckel’s có thể gồm những trường hợp sau:
- Biểu hiện thường gặp nhất của túi thừa Meckel’s là xuất huyết tiêu hoá (40-60%). Thường trẻ biểu hiện bằng những dấu hiệu: đi tiêu phân đen, hôi tanh. Có thể phân đỏ tươi nếu chảy máu lượng nhiều.
- Trẻ có thể bị lồng ruột thứ phát và có các triệu chứng như đau bụng hơn, khóc thét, nôn ói. Ruột có thể xoay quanh dây dính lên thành bụng và gây xoắn ruột, trẻ đau nhiều, nôn ói, bụng chướng, có thể gây hoại tử ruột.
- Túi thừa Meckel’s bị viêm cho triệu chứng bệnh gần giống với viêm ruột thừa và thường làm nhầm lẫn. Chỉ được chẩn đoán trung lúc mổ.
Chẩn đoán
- Có lẽ việc khám và hỏi bệnh sự là quan trọng nhất. Các cận lâm sàng như siêu âm, X Quang ít có giá trị trong chẩn đoán.
- Các kĩ thuật khác như chụp nhấp nháy đồ, nội soi bằng camera con nhộng, chụp hình mạch máu… ít được sử dụng.
- Trong những trường hợp khó, nội soi ổ bụng thám sát có thể được chỉ định.
Điều trị
- Điều trị bắt đầu bằng việc hồi sức cho trẻ: bù nước và điện giải, truyền máu nếu cần. Chuẩn bị các cận lâm sàng nếu cần phẫu thuật khẩn như: huyết đồ, chức năng đông máu, ion đồ.
- Trẻ nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa dưới sẽ được hẹn lịch nội soi bán khẩn tiêu hóa dưới và chẩn đoán các nguyên nhân gây xuất huyết. Nội soi tiêu hóa dưới có thể không thấy được túi thừa Meckel’s nhưng giúp loại trừ các nguyên nhân khác ở ruột già.
- Trong bệnh cảnh lồng ruột non, trẻ sẽ được bơm hơi tháo lồng cấp cứu. Nếu thành công, trẻ sẽ được can thiệp phẫu thuật sau đó. Ngược lại nếu thất bại, trẻ sẽ được chuyển mổ ngay.
- Viêm túi thừa thường được mổ cấp cứu, có thể chẩn đoán chính xác trước mổ hay chỉ được chẩn đoán trong mổ.
- Phẫu thuật nhằm mục đích cắt bỏ túi thừa và loại bỏ các triệu chứng, biến chứng. Đầu tiên, trẻ sẽ được nội soi ổ bụng thám sát hình dạng và vị trí của túi thừa. Nếu chân tui thừa nhỏ có thể sẽ được cắt ngay trong nội soi (hình 2). Ngược lại nếu chân túi thừa lớn, hoặc khó khăn khi thực hiện qua nội soi, việc cắt túi thừa sẽ được chuyển sang mổ mở qua lỗ chân trocar (hình 3).
- Sau mổ trẻ sẽ phải nhịn ăn khoảng 2-3 ngày, sau đó trẻ được uống nước đường. Khi nhu động ruột tái lập hoàn toàn trẻ có thể ăn uống bình thường. Thay băng vết mổ hằng ngày, chỉ tan sẽ tự tiêu.
Biến chứng
- Nhiễm trùng vết mổ
- Chảy máu ra mổ
- Xì nơi khâu nối ở ruột
- Tắc ruột do dính
Tái khám
- Tái khám sau 1 tuần và cắt chỉ
- Tái khám sau 1 tháng, 6 tháng hoặc khi có gì lạ
Tài liệu tham khảo
- Kurt P. Schropp et Carissa L. Garey (2010), Meckel’s Diverticulum, Ashcraft’s Pediatric Surgery, pp: 526-531
- Spencer W Beasley (2013),Vitellointestinal (Omphalomesenteric) Duct Anomalies, Operative Pediatric Surgery, pp: 445-457
Be the first to comment