Bìu và tinh hoàn bình thường
Bìu bình thường chùng, mềm và bên trong chứa hai tinh hoàn. Bạn có thể dễ dàng sờ thấy hai tinh hoàn nằm trong bìu của trẻ. Hiện tượng một bên tinh hoàn xuống thấp hơn bên kia một chút là hoàn toàn bình thường.
Tràn dịch màng tinh hoàn là gì?
- Tràn dịch màng tinh hoàn là hiện tượng ứ nước trong bao tinh hoàn bên trong bìu. Thường thì hiện tượng này có ở một bên nhưng cũng có thể bị tràn dịch cả hai bên.
Nguyên nhân của tràn dịch màng tinh hoàn?
- Một số bé trai khi mới sinh đã bị tràn dịch màng tinh hoàn. Trong giai đoạn thai phát triển trong tử cung, tinh hoàn di chuyển từ bụng xuống bìu qua ống phúc tinh mạc trong một số trường hợp ống này sau đó không được đóng kín, đường thông thương nhỏ đủ để dịch trong ổ bụng đi xuống dẫn đến ứ nước màng tinh hoàn.
Ảnh hưởng của nước màng tinh hoàn?
- Nước màng tinh hoàn không ảnh hưởng đến chức năng tinh hoàn và khả năng sinh sản sau này.
- Bệnh thường không gây đau nhưng có thể tác động đến tâm lý trẻ (trẻ cảm thấy mình không bình thường như các bạn)
Chẩn đoán tràn dịch màng tinh hoàn?
- Tràn dịch màng tinh hoàn trông giống như một túi chứa dịch bên trong bìu. Kích thước bìu to hơn so với bình thường, với mức độ khác nhau phụ thuộc vào tràn dịch nhiều hay ít.
- Khi sờ có cảm giác nhẵn. Tràn dịch màng tinh hoàn không gây đau.
- Khó sờ nắn được tinh hoàn, mào tinh.
- Khám ống bẹn, lỗ bẹn bình thường.
- Soi đèn vào bìu: phần dịch sáng hơn và phân biệt được với tinh hoàn, mào tinh có màu tối.
Cận lâm sàng
Siêu âm: Tinh hoàn và mào tinh bình thường, được bao quanh là khối dịch đồng nhất, di động. Có giá trị cao để chẩn đoán phân biệt với:
- Thoát vị bẹn
- Nang mào tinh, nang thừng tinh
- U tinh hoàn, u mào tinh hoàn
- Xoắn thừng tinh, thoát vị bẹn nghẹt, viêm tinh hoàn…
Khi nào điều trị tràn dịch màng tinh hoàn?
- Tràn dịch màng tinh hoàn thường sẽ tự khỏi không cần điều trị trong vòng 2 năm sau đẻ. Nếu sau 2 năm tràn dịch không hết thì cần cân nhắc phẫu thuật.
Phương pháp phẫu thuật
- Phẫu thuật điều trị tràn dịch màng tinh hoàn chỉ cần rạch một vết nhỏ ở phía bụng dưới. Dịch xung quanh tinh hoàn sẽ được thoát. Đường thông lên ổ bụng cũng được đóng kín do vậy dịch không tiếp tục đọng ở màng tinh hoàn nữa.
- Đây là một phẫu được thực hiện trong ngày, bệnh nhi không cần nằm lại bệnh viện.
Biến chứng sau mổ:
- Chảy máu
- Phù nề
- Nhiễm trùng
- Tổn thương mô lân cận…
Chăm sóc sau mổ:
- Uống thuốc giảm đau theo toa bác sĩ
- Thay băng vết mổ khi băng ướt hoặc bẩn
- Chế độ dinh dưỡng: bình thường
- Tái khám khi có dấu hiệu bất thường, hoặc 1 tuần sau mổ
Nguồn tài liệu:
http://www.healthline.com/health
http://www.patient.co.uk/health
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions
Guidelines on paediatric urology
Be the first to comment