Thoát vị rốn là gì?
- Thoát vị rốn là hiện tượng một phần của cơ quan trong ổ bụng lồi ra ngoài ổ bụng tại lỗ rốn (ví dụ: ruột, mạc nối…). Các cơ quan này vẫn còn được che phủ bởi một lớp da mỏng (hình 1).
- Nguyên nhân thường là do bẩm sinh khi cân cơ thành bụng tại lỗ rốn bị khiếm khuyết và không đủ sức giữ các tạng dưới áp lực của ổ bụng.
Triệu chứng
- Thoát vị rốn thường gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở những trẻ non tháng.
- Bệnh thường không có triệu chứng nào ngoài khối phồng tại rốn. Thoát vị rốn có thể nhỏ 1-2cm, cũng có khi rất lớn 5-10cm.
- Túi phồng này có thể xẹp đi khi trẻ nằm yên, ngủ và phồng căng ra khi trẻ quấy khóc, ho hay rặn.
- Khi có biến chứng kẹt hay nghẹt (hình 2), trẻ thường quấy khóc vì đau, da túi thoát vị viêm đỏ. Nếu ruột trong túi thoát vị bị tắc sẽ có các triệu chứng như bỏ bú, nôn ói mật xanh, bụng trướng. Biến chứng này khá hiếm gặp nhưng nguy hiểm vì ruột sẽ hoại tử nếu không được cấp cứu kịp thời.
Điều trị như thế nào?
- Khối thoát vị thường sẽ tự hết khi trẻ lớn (sau 2 tuổi). Biện pháp quấn băng thung quanh rốn hoặc đặt dồng xu không được khuyến cáo vì thường không hiệu quả.
- Chỉ định phẫu thuật khi khối thoát vị vẫn còn lớn sau 2 tuổi. Ngoài ra khi có biến chứng nghẹt cần phải phẫu thuật cấp cứu để tránh hoại tử tạng trong khối thoát vị.
- Phẫu thuật đơn giản khâu phục hồi thành bụng bằng chỉ tại rốn. Cuộc mổ có thể thực hiện nhanh và bệnh nhân được về trong ngày
- Bệnh nhi được nhịn hoàn toàn 4-6 giờ trước phẫu thuật, xét nghiệm thông thường trước mổ, được bác sĩ phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê tư vấn
- Bệnh nhi được gây mê nội khí quản
- Rạch da đường vòng cung dưới rốn
- Qua các lớp, bộc lộ lớp cân cơ và khâu lại bằng chỉ không tan
- Khâu lại vết mổ từng lớp
Chăm sóc sau mổ
- Uống thuốc giảm đau 2-3 ngày sau mổ
- Thay băng khi ướt hoặc bẩn
- Tái khám sau 7 ngày và cắt chỉ
- Hiếm khi có biến chứng nặng và hiếm khi tái phát
Be the first to comment