U nhầy môi là gì?
- U nhầy môi, niêm mạc miệng là 1 tổn thương lành tính thường gặp vùng khoang miệng. U nhầy xuất hiện khi tuyến nước bọt bị tổn thương hoặc bị tắc nghẽn.
- Tỉ lệ mắc khoảng 2,5/1.000 người.
- U nhầy có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường gặp vào khoảng 10-20 tuổi, hiếm gặp ở trẻ nhũ nhi.
Nguyên nhân là gì?
- Bình thuờng trong miệng có nhiều tuyến nước bọt. Những tuyến nước bọt này có nhiệm vụ tiết ra nước bọt, đi theo những ống tuyến nhỏ vào khoang miệng giúp làm sạch miệng, đồng thời làm ướt và tiêu hóa 1 phần thức ăn. Khi những ống tuyến này bị cắt ngang do chấn thương hoặc bị tắc nghẽn sẽ có sự thoát ra hoặc ứ đọng chất nhầy, hình thành bể chứa chất nhầy. Các bể chứa chất nhầy được bao bọc bởi mô xung quanh hình thành u nhầy.
- Chấn thương tạo u nhầy thường do thói quen cắn, mút môi và niêm mạc miệng hoặc do khớp cắn của trẻ thường xuyên cắn vào 1 vị trí cố định. Ở trẻ nhũ nhi có thể liên quan tới việc sử dụng núm vú giả. U nhầy có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng, thường gặp nhất là môi dưới.
Triệu chứng
- Tổn thương là 1 khối sưng như bọng nước màu xanh hoặc trong suốt, mềm, kích thước thay đổi từ vài mm đến vài cm (hình 1), không đau. Tổn thương có thể tự hết.
- U nhầy xuất hiện vùng sàn miệng gọi là u (nang) nhái. U to có thể đẩy lưỡi lên cao và gây khó khăn về phát âm, nhai và nuốt. U nhái dạng phức tạp hơn có thể lan xuống vùng cổ.
- Bệnh nhân lưu ý cần phân biêt giữa U nhầy với các loại U sau đây: U máu, u mạch bạch huyết, nang giáp lưỡi, u nhú, u tuyến hỗn hợp, các u ác tính của tuyến nước bọt (hiếm).
Làm gì khi xuất hiện u nhầy?
- U nhầy có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên một số u nhầy sẽ tăng kích thước hoặc tồn tại kéo dài gây khó chịu. Đừng tự ý phá u nhầy, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi để được chẩn đoán chính xác, tư vấn và điều trị.
- Hiếm khi cần các xét nghiệm để chẩn đoán
Hướng điều trị:
- Phẫu thuật cắt trọn u nhầy hoặc mở thông u nhầy. Khả năng tái phát cao nếu là u nhái và khi chỉ phẫu thuật mở thông nang.
- Phẫu thuật khá đơn giản nên bệnh nhi được về trong ngày
Chăm sóc sau mổ:
- Chế độ ăn thức ăn mềm trong vài ngày đầu sau mổ.
- Uống thuốc giảm đau vài ngày (1-3 ngày)
Theo dõi: Nếu được phẫu thuật triệt để cắt trọn u nhầy, tỉ lệ tái phát rất thấp. Đối với u nhái, tỷ lệ tái phát cao, cần theo dõi nhiều tháng sau mổ.
Tài liệu tham khảo
- Penarrocha M, et al., Oral mucocele: Review of the literature. J Clin Exp Dent, 2010. 2(1): p. e18-21.
- Granholm C and M. B, Oral mucoceles: extravasation cysts and retention cysts. A study of 298 cases. Swed Dent J, 2009. 33(3): p. 125-30.
- Mínguez-Martinez I and Penarrocha M, Clinical Characteristics, Treatment, and Evolution of 89 Mucoceles in Children. Journal of Oral and Maxillofacial Surgery, 2010. 68(10): p. 2468-2471.
- Prashanth Shenai and Laxmikanth Chatra, Oral Mucocele – Diagnosis and Management. Journal of Dentistry, Medicine and Medical Sciences, 2012. 2(2): p. 26-30.
- Douglas Sidell, Nina L Shapiro, and Arnold G Coran, Peidatric Surgery. Salivary Glands. Vol. 7th edition. 2012.
- Marci M Lesperance, Lewis Spitz, and Arnold G Coran, Operative Pediatric Surgery. Ranula. Vol. 7th edition. 2013.
- Retention mucocele on the lower lip associated with inadequate use of pacifier. Dermatology Online Journal 16(7) : 9, 2010.
Be the first to comment