Chấn thương đầu

Chấn thương đầu là gì?

  • Là những chấn thương vùng đầu của trẻ có thể do té, tai nạn giao thông hoặc đôi khi bị bạo hành. Đây là nguyên nhân gây tử vong chính do chấn thương ở trẻ em.

Tại sao chấn thương đầu nguy hiểm?

  • Đầu là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể. Xương sọ có tác dụng bảo vệ cho bộ não bên trong. Những chấn thương ở vùng đầu nếu nhẹ chỉ tổn thương mô mềm: sưng, bầm, tụ máu dưới da… hoặc nặng hơn có thể gây nứt xương sọ, đứt mạch máu não, dập não, chảy máu trong não dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng nề về sau.
Hình 1. Chấn thương đầu nặng

Biểu hiện của trẻ khi bị chấn thương đầu?

Tùy theo cơ chế chấn thương (té cao, xe tung) và mức độ tổn thương các thành phần trong đầu mà trẻ sẽ có các biểu hiện khác nhau.

  • Nếu chấn thương nhẹ, trẻ tỉnh táo và thường kèm các biểu hiện:
    • Sưng nhẹ da đầu
    • Có thể có vết thương nhỏ trên đầu
    • Đau đầu mức độ vừa ở trẻ lớn, hoặc quấy khóc khi chạm vào chỗ sưng ở trẻ nhỏ.
    • Ói vài lần sau té
  • Các dấu hiệu sau gợi ý mức độ chấn thương nặng hơn:
    • Trẻ không tỉnh táo, lơ mơ, ngủ nhiều, rối loạn hành vi…
    • Co giật
    • Yếu tay chân, méo miệng, lé mắt…
    • Vết thương lớn hoặc sưng nề nhiều vùng da đầu
    • Chảy máu hoặc dịch từ mũi, miệng, tai.
    • Nôn ói liên tục
    • Đau đầu dữ dội
    • Chấn thương nhiều bộ phận cơ thể

Một số trường hợp trẻ bị bạo hành có thể biểu hiện: hay giật mình lo sợ, nhiều vết bầm trên người, chấn thương nhiều chỗ và một số dấu hiệu trên.

Làm gì khi trẻ bị chấn thương đầu?

  • Hãy đưa trẻ tới ngay các cơ sở khám bệnh gần nhất đặc biệt trong trường hợp trẻ có dấu hiệu gợi ý chấn thượng nặng hoặc cơ chế chấn thương nặng: té cao, tai nạn giao thông.

Khi nào cần chụp CT đầu? (Chụp cắt lớp)

  • Bác sỹ sẽ đánh giá tình trạng của bé để xem xét cần chụp CT đầu không. Những trường hợp trẻ có biểu hiện gợi ý chấn thương đầu nặng bắt buộc chụp CT đầu để kiểm tra.

Chụp CT có hại gì không?

  • Máy CT sử dụng tia X để khảo sát hình ảnh và loại tia này có ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, những người tiếp xúc thường xuyên với tia X: nhân viên y tế, người bệnh ung thư phải bắn tia để điều trị mới có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều.

Khi nào trẻ phải nhập viện?

  • Trẻ tỉnh táo, không có các dấu hiệu nặng và CT đầu bình thường có thể theo dõi tại nhà trong vòng 5 ngày sau té. Những trường hợp còn lại sẽ phải nhập viện để điều trị.

Khi nào bé cần phải mổ?

  • Những trường hợp chấn thương nặng: vỡ sọ, chảy máu ngoài màng cứng, chảy máu trong não, dập não, vết thương da đầu phức tạp… có chỉ định phẩu thuật sẽ được chuẩn bị mổ cấp cứu.
  • Những trường hợp có chảy máu nhưng không có chỉ định mổ, trẻ sẽ được điều trị hỗ trợ: giảm đau, giảm sưng, chăm sóc vết thương.
  • Chỉ đinh mổ dựa vào tình trạng trẻ và kết quả CT đầu.
Hình 2. CT chảy máu ngoài màng cứng

Điều trị bao lâu và có di chứng gì không?

  • Thời gian điều trị và di chứng tùy thuộc vào mức độ tổn thương não. Những trường hợp nặng có thể phải điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt kéo dài hàng tháng, di chứng vận động, tinh thần lâu dài.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*