Nỗi lo của cha mẹ có con đi mổ

noi lo cua ba me co con nho phau thuat
noi lo cua ba me co con nho phau thuat

ThS. BS. Phan Thị Minh Tâm

Để điều trị các bệnh lý, thông thường có hai cách là điều trị nội và điều trị ngoại, nói cách khác là phẫu thuật. Đối với người lớn, để chịu đựng cuộc mổ, bệnh nhân (BN) thường được giải thích để chọn lựa phương pháp vô cảm là gây tê hay gây mê. Và nhiều người lớn thường than thở là hay quên sau khi gây mê. Còn với trẻ em cần mổ, hầu hết là phải gây mê. Vì trẻ em thường rất sợ hãi khi xa cha mẹ, khi vào bệnh viện, nên sẽ khó hợp tác với bác sĩ (BS). Chọn gây mê cho trẻ em là giải pháp an toàn và tốt nhất. Tuy nhiên, khi có con mắc bệnh cần phải mổ thì cha mẹ không khỏi lo lắng về cách con mình phải chịu phẫu thuật dưới gây mê. Tại sao bắt trẻ phải nhịn đói? Sau mổ trẻ đau quấy khóc thì phải làm sao? Liệu trẻ có bị giảm trí thông minh so với các bạn cùng trang lứa … là một vài câu hỏi trong số các thắc mắc, băn khoăn của cha mẹ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập tới ba câu hỏi này.

1. Tại sao trẻ phải nhịn đói trước mổ?

Không chỉ riêng trẻ em, ngay cả người lớn khi cần được gây mê cũng phải nhịn trước mổ. Việc để bụng đói hay dạ dày rỗng trước mổ là rất quan trọng, vì khi BN được gây mê các phản xạ vùng hầu họng bị mất đi, không còn tác dụng bảo vệ đường thở, nên BN dễ bị hít sặc các chất trong dạ dày vào phổi. Khi đó sẽ gây ra bệnh viêm phổi hít. Đây là một bệnh lý nặng, gây co thắt và tổn thương đường thở, sẽ gây thiếu oxy. Điều này sẽ gây ra các biến chứng về hô hấp sau mổ như thở khó, ứ đàm nhớt và suy hô hấp…

Một số cha mẹ nghĩ nhịn đói là không cho con ăn gì cả, nhưng các thức uống thì vẫn cho con uống. Đây là một sai lầm vì sữa chính là thức ăn cho trẻ và thời gian tiêu hóa sữa cũng dài như là các thức ăn đặc khác. Đối với người lớn vì ý thức bệnh tình của mình nên việc nhịn trước mổ là dễ chấp nhận. Còn trẻ em không dễ gì mà bắt trẻ nhịn ăn uống trong một thời gian dài, nhất là các trẻ còn đang bú mẹ. Trẻ đói sẽ quấy khóc, một số trẻ lớn hơn có thể ăn lén đồ ăn của người khác. Vậy cứ cho trẻ nhịn ăn uống nhiều giờ trước mổ là tốt chăng? Nhịn kéo dài không giảm nguy cơ hít dịch dạ dày nhiều hơn mà có thể gây thiếu nước và hạ đường huyết. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho trẻ trong lúc mổ.

Các thức ăn đặc, sữa bò phải ngưng 6 giờ trước mổ, sữa mẹ ngưng 4 giờ trước mổ. Trẻ có thể uống nước đường khoảng 2 – 3 giờ trước mổ.

Nếu phẫu thuật trễ, có thể cho trẻ uống nước đường hoặc truyền dịch.

Cha mẹ cần tuân thủ các quy định này để bảo vệ con em mình tránh nguy cơ trào ngược trong khi mổ.

2. Trẻ sẽ được điều trị đau như thế nào?

Phẫu thuật là động tác gây đau đớn cho BN, trong cuộc mổ các trẻ được gây mê và cho thuốc giảm đau đầy đủ. Tùy theo tính chất cuộc phẫu thuật, mổ lớn hay nhỏ, mổ lâu hay mau… mà trẻ có thể bị đau nhiều hay ít. Thường thì các trẻ sẽ chịu đau nhiều nhất trong khoảng 1 – 2 ngày, sau đó cường độ đau giảm dần. Nếu là phẫu thuật lớn thời gian mổ dài, trẻ sẽ được theo dõi trong phòng săn sóc đặc biệt và cho thuốc giảm đau qua đường truyền. Đối với các phẫu thuật thông thường như mổ thoát vị bẹn, u máu hay chỉnh hình cơ – xương… thì trẻ sẽ được ra phòng ngoài với cha mẹ và được uống thuốc giảm đau theo toa BS. Nguyên tắc là cơn đau sẽ giảm dần đi, nếu sau vài ngày trẻ đột nhiên đau nhiều hơn, có thể là trẻ bị các biến chứng như nhiễm trùng, sưng tấy, bung vết mổ, ứ dịch vết mổ… lúc này cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay.

Các thuốc giảm đau thông thường sau mổ như Acetaminophen, Ibuprofen sẽ được các BS kê toa, cha mẹ nên cho con uống đúng và đủ liều lượng.

3. Gây mê có ảnh hưởng đến phát triển trí não của trẻ không?

Có lẽ đây là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh băn khoăn nhất, nhiều người còn muốn cho con mình mổ nhưng yêu cầu không gây mê, đề nghị cho con mình ít thuốc an thần thôi.

Có nhiều bệnh nhi phải chịu cuộc mổ từ lúc mới sanh ra đời, đôi khi còn phải mổ nhiều lần sau đó nữa. Có bệnh nhi không phải mổ nhưng bệnh tình nặng phải được điều trị săn sóc đặc biệt, cần lấy máu xét nghiệm nhiều lần hay làm một số thủ thuật để chẩn đoán bệnh… các bệnh nhi này ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tới trí não và hành vi sau này.

Theo nghiên cứu của các nhà y học nổi tiếng trên thế giới, trẻ em sinh ra có khoảng 100 – 200 tỷ tế bào thần kinh, nhưng chưa đến ½ số lượng tế bào tiếp tục phát triển đến khi trưởng thành. Phần tế bào còn lại sẽ bị thoái hóa và được dọn dẹp nhờ cơ chế chết tế bào theo chương trình. Các thụ thể có vai trò trong quá trình sinh trưởng, trưởng thành và biệt hóa tế bào thần kinh như GABA, NMDA, Acetylcholin và Serotonin… Một số thuốc gây mê có tác dụng như các thụ thể này, như vậy gây mê có ảnh hưởng lên sự phát triển hệ thần kinh là có cơ sở. Hiện nay gây mê là phối hợp nhiều loại thuốc, nhiều phương pháp nên lượng thuốc mê dùng ít đi mà BN vẫn được ngủ mê và giảm đau đầy đủ.

Tuy nhiên các bậc cha mẹ không nên lo lắng quá. Theo một nghiên cứu trên trẻ chịu gây mê phẫu thuật đường tiêu hóa thì nếu trẻ dưới 4 tuổi gây mê 1 lần thì không làm tăng nguy cơ, gây mê 2 lần tăng nguy cơ 1,6 lần và từ 3 lần tăng nguy cơ 2,6 lần. Điều quan trọng là trong suốt quá trình gây mê, BS gây mê phải giữ cho trẻ không bị thiếu oxy – ứ thán khí, huyết áp ổn định, phải kịp thời truyền máu nếu phẫu thuật gây chảy máu nhiều. Như vậy đảm bảo não được cung cấp máu đầy đủ.

Vậy thì chúng ta có nên chọn gây mê cho trẻ phải phẫu thuật không? Theo ý kiến của các chuyên gia gây mê nhi đầu ngành trên thế giới thì vẫn phải chọn gây mê, vì đau, thiếu oxy và thiếu máu cục bộ sẽ làm tăng các chất kích hoạt hiện tượng chết tế bào theo chương trình. Chịu đựng đau đớn kéo dài gây ra các phản ứng tiêu cực và thay đổi hành vi ở trẻ. Nếu gây mê giảm đau không đủ cũng gây ra các kích xúc có hại. Ngoài ra còn phải tính đến ảnh hưởng của động tác phẫu thuật, bệnh tật cần phẫu thuật trên sự phát triển thần kinh của trẻ.

Tóm lại nếu trẻ em mắc những bệnh lý cần phải mổ, nhưng có thể chờ đợi được thì nên chờ cho trẻ lớn hơn. Phải tham vấn BS giữa lợi ích và nguy cơ của gây mê – phẫu thuật. Tuân thủ đúng các hướng dẫn của nhân viên y tế và nên chọn cơ sở y tế nào có chuyên khoa về phẫu thuật – gây mê trẻ em tốt để gửi gắm con em mình. Việc trì hoãn phẫu thuật cũng gây nhiều tác hại còn hơn cả ảnh hưởng của thuốc mê.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*