Hở thành bụng ở trẻ em

Đại cương

  • Hở thành bụng (hình 1): khiếm khuyết lớp cơ bên phải chân cuống rốn làm cho các tạng thoát ra ngoài, thường là ruột, thỉnh thoảng có gan, tinh hoàn hoặc buồng trứng.
  • Hở thành bụng thường đi kèm ruột xoay bất toàn, teo ruột (10-15%), túi thừa Meckel. Hiếm gặp dị tật có liên quan đến di truyền.
  • Lỗ khiếm khuyết thường nhỏ hơn 4cm.
  • Hở thành bụng 1/10.000-1/6.000, trẻ thường sanh non, gặp trên những bà mẹ trẻ, nhỏ hơn 20 tuổi.
Hình 1: Hở thành bụng
Mũi tên trắng: lỗ hở thành bụng và ruột thoát vị – mũi tên đen: dây rốn
“Nguồn: Nwomeh, 2012”.

Chẩn đoán

Triệu chứng lâm sàng

  • Dây rốn bình thường, lỗ khiếm khuyết thường bên phải cuống rốn,
  • Cơ thành bụng bình thường, ổ bụng kém phát triển,
  • Tạng thoát vị thường là ruột, đôi khi là dạ dày, hiếm gặp gan, tinh hoàn, buồng trứng.

Cận lâm sàng

  • Huyết đồ.
  • Đông máu toàn bộ.
  • Đường huyết.
  • Chức năng gan thận, ion đồ.
  • X Quang phổi.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị

  • Bù đủ dịch (200 – 300ml dịch/kg/24giờ đầu).
  • Tránh hạ thân nhiệt.
  • Đặt thông dạ dày giải áp.
  • Giữ ẩm khối thoát vị, bảo vệ tránh chấn thương các tạng trong khối thoát vị bằng túi chất dẻo vô trùng.  
  • Chống nhiễm trùng bằng kháng sinh phổ rộng.
  • Đảm bảo chức năng hô hấp, tim mạch, thận ổn định.
  • Đánh giá các vấn đề đi kèm như sanh non, suy hô hấp.
  • Phẫu thuật nên được thực hiện ngay khi tình trạng huyết động học ổn định.

Phương pháp phẫu thuật

Phục hồi thành bụng một thì: khi áp lực ổ bụng < 20mmHg.

  • Kéo dãn thành bụng.
  • Làm sạch phân su trong đại tràng.
  • Giải áp dạ dày và ruột.
  • Thám sát toàn bộ ổ bụng, kiểm tra kĩ các dị tật của ruột trước khi đưa vào ổ bụng, nếu có teo ruột mà đoạn ruột còn tốt có thể cắt nối ruột, nếu ruột viêm nhiễm, phù nề nhiều, có thể đưa vào ổ bụng và mổ thì 2 vài tuần sau đó.

Phục hồi thành bụng hai thì: tăng áp lực ổ bụng > 20mmHg gây cản trở hô hấp, cản trở hồi lưu các tĩnh mạch chi dưới, thận, ruột.

  • Sử dụng kĩ thuật Silo với túi chất dẻo (hình 2).
  • Tạng sẽ đưa dần vào ổ bụng trong 1 – 2 tuần (hình 3A).
  • Phục hồi thành bụng (hình 3B).
Hình 2. Đặt túi silo đưa dần tạng thoát vị vào ổ bụng
(https://www.chop.edu/conditions-diseases/gastroschisis)
Hình 3: A. Tạng thoát vị vào ổ bụng sau đặt túi silo. B. Thành bụng sau khi được phục hồi.
“Nguồn: Islam, 2019”.

Sau mổ

  • Theo dõi áp lực tĩnh mạch trung ương, áp lực đường thở.
  • Nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn.
  • Tiếp tục điều chỉnh các rối loạn trước mổ: nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, rối loạn đông máu.
  • Giữ thông dạ dày hút liên tục cho đến khi phục hồi chức năng ruột. Nếu sau 3 tuần chức năng ruột chưa phục hồi, chụp X-quang cản quang kiểm tra.

Biến chứng – theo dõi

Biến chứng sớm

  • Tăng áp lực ổ bụng: bụng căng chướng, nước tiểu giảm, toan máu kéo dài.
  • Bung vết mổ.
  • Hoại tử ruột, tắc ruột.
  • Rò tiêu hóa.
  • Suy thận, tổn thương gan.
  • Suy hô hấp.
  • Nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng vết mổ.

Biến chứng muộn: do tăng áp lực ổ bụng khi đóng bụng thì 1 hoặc thì 2.

  • Thoát vị thành bụng.
  • Trào ngược dạ dày thực quản.
  • Viêm thực quản.
  • Tắc ruột do dính.
  • Thoát vị bẹn.

Tái khám

  • Tái khám 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.

Tiên lượng

  • Sống còn vào khoảng 80-90% các trường hợp.

Tài liệu tham khảo

  • https://www.chop.edu/conditions-diseases/gastroschisis
  • Nwomeh B.C. (2012). “Abdominal wall defects”. Surgical care of major newborn malformations. pp 213 – 237.
  • Islam S. (2019), Congenital Abdominal Wall Defects: Gastroschisis and Omphalocele, Holcomb and Ashcraft’s Pediatric Surgery , 7th ed, Elsevier, pp. 763-779.
  • Phác đồ điều trị Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*