Xoắn tinh hoàn

Đại cương

  • Xoắn tinh hoàn là tình trạng xoắn thừng tinh và các cấu trúc bên trong thừng tinh, đưa đến tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn (hình 1).
  • Nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng hoại tử tinh hoàn. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến trong khoảng từ 6-12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn.
  • Đỉnh tuổi của XTH thường xảy ra trong 1 năm đầu đời và khoảng thời gian bắt đầu dậy thì.
Hình 1: Xoắn tinh hoàn bên phải

Kiểu xoắn – Nguyên nhân

Xoắn trong tinh mạc:

  • Kiểu xoắn này hay gặp ở trẻ lớn hoặc người trưởng thành.
  • Nguyên nhân được cho là tinh mạc bám cao vào thừng tinh, tinh hoàn và mào tinh trở nên cố định lỏng lẻo bên trong tinh mạc và có khuynh huớng nằm ngang bên trong tinh mạc, tình trạng này cũng hay xảy ra ở bìu đối bên.

Xoắn ngoài tinh mạc

  • Kiểu xoắn thừng tinh ngoài tinh mạc xảy ra khi tinh hoàn, thừng tinh, tinh mạc không được cố định tốt trong bìu.
  • Kiểu xoắn này gặp trong tinh hoàn ẩn hoặc ở trẻ sơ sinh.

Xoắn giữa mào tinh và tinh hoàn

  • Kiểu xoắn này thường là do mạc treo tinh hoàn dài.
Hình 2. Các kiểu xoắn tinh hoàn.
“Nguồn Favorito, 2004”.

Triệu chứng lâm sàng

  • Đau dữ dội, đột ngột ở bìu
  • Sưng/đỏ bìu
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Các triệu chứng có thể đi kèm: đau bụng, sốt, tiểu lắt nhắt.
  • Khám: Tinh hoàn ở vị trí cao hơn bình thường hoặc ở một góc bất thường, thay đổi trục, sờ mật độ chắc đến cứng, chạm đau mọi phía, mất phản xạ da bìu.

Chẩn đoán

  • Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng và thăm khám
  • Siêu âm Doppler bìu: đánh giá tình trạng tưới máu tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn được nghĩ đến khi có dấu hiệu xoắn vặn thừng tinh, giảm/mất máu nuôi tinh hoàn.

Chẩn đoán phân biệt

  • Xoắn phần phụ tinh hoàn
  • Viêm mào tinh-tinh hoàn.
  • Chấn thương bìu.
  • Thoát vị bẹn nghẹt.

Điều trị:

Nguyên tắc điều trị: phẫu thuật tháo xoắn sớm nhằm ngăn ngừa tinh hoàn bị hoại tử. Cố định tinh hoàn đối bên.

Phẫu thuật

Hình 3. Đường rạch da dọc  giữa và đường ngang bìu.
Nguồn: Moritz, 2014“.
  • Đường rạch da là đường dọc giữa bìu hoặc đường ngang giữa bìu bên bị xoắn (hình 3).
  • Nếu XTH ngoài tinh mạc thì đưa tinh mạc và các cấu trúc ra ngoài rồi tiến hành tháo xoắn.
  • Nếu xoắn tinh hoàn trong tinh mạc thì mở tinh mạc trước.
  • Sau tháo xoắn, tinh hoàn được đắp ấm trong 15 – 20 phút, nếu tinh hoàn không được cải thiện tưới máu thì phải cắt bỏ tinh hoàn. Nếu tinh hoàn hồng lại sau tháo xoắn, cần cố định tinh hoàn vào cân dartos bìu bằng chỉ không tan.
  • Cố định tinh hoàn đối bên ngay sau đó.

Theo dõi sau mổ

  • Nhiễm trùng
  • Hoại tử tinh hoàn, teo tinh hoàn
  • Xoắn tinh hoàn tái phát

Tái khám:

  • Một tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng sau mổ.

Tài liệu tham khảo

  • Lê Tấn Sơn, Nguyễn Thị Trúc Linh, and Lê Nguyễn Yên (2018), “Hội chứng bìu cấp”, Ngoại Nhi lâm sàng, Nhà xuất bản Y học, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, pp.166- 168.
  • Coran A.G., Adzit N.S, Krummel T.M., et al. (2012), “Undescended Testis, Torsion, and Variocele”, Pediatric Surgery, Elsevier Sauders, pp.1003 -1019.
  • Luciano A.F., André G.C, and Waldiar S.C. (2004), “Anatomic aspects of epididymis and tunica vaginalis in patients with testicular torsion”, International braz j urol, 30 (5), pp.420-424
  • Moritz M., Daniel V.A., Richard G.A., et al. (2014), “The Acute Scrotum”, Operative pediatric surgery, pp. 769-774.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*