Lồng ruột

Lồng ruột là gì?

  • Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột chui vào đoạn ruột kế cận, gây ra tình trạng tắc nghẽn lòng ruột và thắc nghẹt mạch máu nuôi của đoạn ruột lồng.
  • Vị trí thường gặp nhất là hồi manh tràng.
Hình 1: Lồng ruột gây tắc nghẹt mạch và tắc nghẽn lòng ruột
  • Lồng ruột là một tình trạng cấp cứu. Tắc nghẽn lòng ruột làm trẻ nôn ói nhiều, không ăn uống được, làm trẻ mất nước và điện giải. Ngoài ra nếu không giải quyết kịp thời, đoạn ruột lồng sẽ không có máu nuôi do thắt nghẹt mạch máu và sẽ bị hoại tử, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây ra Lồng ruột

  • Khoảng hơn 95% trường hợp lồng ruột không có nguyên nhân. Lồng ruột không có nguyên nhân thường gặp ở những trẻ lớn hơn 3 tháng tuổi và nhỏ hơn 2 tuổi. Thường gặp ở những bé nam, bụ bẫm, tuổi từ 4-10 tháng, nhiễm siêu vi hô hấp trước đó.
  • Khoảng 5% lồng ruột có nguyên nhân như: túi thừa Meckel’s, nang ruột đôi, políp ruột, u ở thành ruột… Thường gặp ở những trẻ nhỏ hơn 3 tháng và lớn hơn 2 tuổi.

Triệu chứng lâm sàng

  • Các triệu chứng của bệnh xoay quanh 2 cơ chế sinh bệnh chính: tắc nghẽn lòng ruột và thắt nghẹt mạch máu ruột.
  • Trẻ đau bụng do co thắt ruột và do thiếu máu nuôi ruột. Đau bụng cơn, trong cơn đau trẻ khóc thét, co hai chân, gồng người, da tái nhợt. Lúc đầu trẻ còn hồng hào và tỉnh, lâu dần sẽ tái đi và mệt đừ. Đau bụng cơn là triệu chứng đầu tiên của lồng ruột.
  • Tắc ruột làm trẻ nôn ói nhiều, bỏ bú, bụng trướng dần lên, không đi cầu hay xì hơi được (lúc đầu có thể đi được ít phân). Thành ruột căn làm rối loạn trao đổi chất và làm vi khuẩn dễ xâm nhập gây nhiễm trùng. Nôn lúc đầu ra thức ăn, sau đó ra dịch vàng, xanh và cuối cùng ra dịch giống phân.
  • Tắc mạch máu nuôi làm đoạn ruột lồng bị phù nề, xuất huyết. Trẻ có biểu hiện đi cầu nhày máu (sau đau bụng 6-12h). Trễ hơn ruột có thể bị hoại tử, có thể sẽ có biểu hiện nhiễm độc, nhiễm trùng. Thủng ruột gây viêm phúc mạc.
Hình 2: Lồng ruột non gây hoại tử ruột

Chẩn đoán

  • Trẻ được chẩn đoán dựa trên bệnh cảnh lâm sàng gồm các triệu chứng: đau bụng cơn, khóc thét, nôn ói, đi cầu phân nhày máu…
  • Khám thực thể có thể phát hiện trẻ hơi đừ, hố chậu phải rỗng (khi lồng hồi manh tràng), sờ thấy được khối lồng ở vùng bụng phải.
  • Siêu âm bụng là lựa chọn đầu tiên để chẩn đoán bệnh vì có độ chính xác rất cao (có thể lên tới gần 100%). Siêu âm bụng còn giúp phát hiện các nguyên nhân gây lồng ruột khác.
  • Các xét nghiệm cần thiết khác gồm: công thức máu, ion đồ nếu bé nôn nhiều.
  • Ở những trường hợp lồng ruột tái phát, hoặc ở trẻ lớn, chụp đại tràng cản quang ngoài lúc lồng ruột và chụp CTscan cũng có thể được đề nghị để tìm thấy nguyên nhân thực thể gây lồng ruột.

Điều trị như thế nào?

  • Nguyên tắc điều trị: bồi hoàn nước và điện giải, giải quyết tình trạng tắc nghẽn lòng ruột và thắt nghẹt mạch máu.
  • Khi trẻ chưa có các biến chứng như hoại tử ruột, thủng ruột, tắc ruột… Sẽ được bơm hơi để tháo lồng. Trẻ sẽ được gây mê, đặt ống thông dạ dày và ống thông trực tràng. Bơm hơi bằng máy từ ống thông trực tràng để đẩy khối lồng thoát ra và ruột được tái thông. Đây là một thủ thuật đơn giản, thành công khá cao (hơn 90%), giúp trẻ tránh được cuộc phẫu thuật. Thất bại khi trẻ lồng ruột non, có nguyên nhân gây lồng ruột, lồng ruột đoạn quá dài….
  • Sau khi tháo lồng thành công, trẻ sẽ được lưu ống thông trực tràng và dạ dày tới khi bụng xẹp hẳn, tạm nhịn 3 giờ, sau đó nếu không có vấn đề gì có thể ăn uống lại. Bé được theo dõi các triệu chứng đau bụng, nôn ói, sốt… để phát hiện lồng ruột tái phát hay biến chứng tháo lồng. Thường bé được xuất viện ngày hôm sau.
  • Khi bơm hơi tháo lồng thất bại hay khi đã có các biến chứng, phẫu thuật là cần thiết. Trẻ sẽ được mổ mở. Tùy tình huống trong lúc phẫu thuật mà bác sĩ sẽ có những xử lý khác nhau. Nếu ruột còn hồng hào, trẻ sẽ được tháo lồng bằng tay (xem hình 3). Ngược lại khi ruột đã hoại tử, hay thủng, trẻ sẽ được cắt bỏ đoạn ruột hư và khâu nối ruột. Phẫu thuật còn giúp giải quyết các nguyên nhân thực thể như nang ruột đôi, polip, túi thừa… Việc cắt ruột thừa cũng được bác sĩ cân nhắc khi tháo lồng bằng tay.
Hình 3: Tháo lồng bằng tay trong phẫu thuật
  • Tuỳ theo những can thiệp trong lúc phẫu thuật có thể trẻ sẽ phải tạm nhịn 24-48 giờ. Tiếp tục được bù nước và điện giải từ dịch truyền, giảm đau và cho kháng sinh chích. Trẻ sẽ được rút bỏ ống thông dạ dày và cho ăn lại khi nhu động ruột tái lập và xì hơi. Chăm sóc vết mổ mỗi ngày và cắt chỉ sau 1 tuần. Bé được xuất viện sau 3-7 ngày.

Các biến chứng thường gặp

  • Sau bơm hơi tháo lồng: viêm ruột, thủng ruột…
  • Sau tháo lồng bằng tay: viêm ruột, hoại tử ruột, xì miệng nối (có cắt nối ruột), sốc nhiễm trùng, rối loạn nước điện giải…

Tiên lượng

Trẻ có thể bị lồng ruột tái phát nhiều lần dù không có nguyên nhân nào, mức độ tái phát ngày càng giảm theo thời gian

Phòng ngừa

Chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả trong bệnh lồng ruột.

Tài liệu tham khảo

  • Melanie Hiorns et Joe Curry, Intussusception, Operative Pediatric Surgery, pp:469-477
  • Karl-Ludwig Waag (2006), Intussusception, Pediatric Surgery, pp: 313-320

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*