Ngón tay cò súng

Ngón tay cò súng là gì?

  • Ngón tay cò súng (hay còn gọi là tật bật ngón) là 1 bệnh ít gặp ở trẻ em. Bệnh xảy ra khi có sự không tương hợp giữa gân gấp ngón và ròng rọc giữ gân gấp đó (ròng rọc A1) gây ra hiện tương chít hẹp ròng rọc và xuất hiện 1 nốt phồng trên thân gân gấp. Điều này giải thích các triệu chứng thường gặp của bệnh lí này.
  • Ở trẻ em, bệnh lí này thường gặp ở ngón cái hơn là các ngón còn lại
Hình 1: Ngón tay cò súng

Làm sao để nhận biết con bạn có bị ngón tay cò súng hay không?

Trẻ thường có các biểu hiện như sau:

Hình 2: Ngón 1 cò súng
  • Khi phát hiện sớm: Cảm giác “bật” khi trẻ gập – duỗi ngón tay. Trẻ có thể tự gập – duỗi ngón hoặc không thể tự làm mà phải có sự giúp đỡ gập – duỗi ngón thụ động từ cha mẹ. Khi thực hiện thao tác này sẽ tạo ra cảm giác “bật” như khi bóp cò súng.
  • Khi muộn hơn: Ngón tay bị khóa cứng ở tư thế gập. Trẻ không thể nào tự duỗi thẳng ngón. Ngay cả khi bạn giúp gập – duỗi ngón thụ động.
  • Có thể bạn sẽ phát hiện vào thời điểm chuyển tiếp giữa 2 giai đoạn này: có lúc gập – duỗi ngón gây cảm giác “bật”, có lúc không thể gập duỗi ngón được.
  • Sờ thấy 1 nốt phồng ở gốc ngón tay (thường gây đau khi sờ vào nốt này) hoặc trẻ than đau ở lòng bàn tay.

Ai có thể bị bệnh này?

  • Không có sự khác biệt về giới (nam nữ đều có thể gặp đều như nhau).
  • Độ tuổi: có thể phát hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau.
  • Một bên hay hai bên đồng thời.

Tại sao con tôi mắc bệnh này?

  • Hiện nay, nguyên nhân của bệnh này vẫn còn chưa được rõ. Có 3 giả thiết được đưa ra và chấp nhận đến nay, đó là:
  • Bẩm sinh: được phát hiện khi bác sĩ lâm sàng khám tổng quát một trẻ sơ sinh, để tầm soát các dị tật, bao gồm cả tật bật ngón và trật khớp háng bẩm sinh
  • Chấn thương: xảy ra trong quá trinh sinh hoạt, có thể được nhận biết bởi cha mẹ hoặc không
  • Mắc phải: sự chít hẹp xảy ra với nguyên nhân chưa được biết rõ, khi không thuộc hai trường hợp trên
  • Ngoài ra, có 1 bất thường nhiễm sắc thể có thể gây ra bệnh này. Đó là Trisomy 18, gây tật bật ngón, gặp ở nhiều ngón và thường xảy ra 2 bên. Đồng thời trẻ sẽ mắc nhiều dị tật ở các cơ quan khác. Có thể phát hiện sớm bằng siêu âm hình thái thai nhi.

Vậy tôi phải làm gì khi phát hiện con tôi bị bệnh này?

Bạn nên đưa trẻ đến những trung tâm lớn có các bác sĩ chuyên khoa về chỉnh hình nhi, để được khám và tư vấn các phương án điều trị.

Vậy con tôi có cần phải làm xét nghiệm gì không?

  • Đối với bệnh này, các bác sĩ lâm sàng chỉ cần hỏi bệnh sử và khám lâm sàng là có đủ bằng chứng để chẩn đoán bệnh. Không cần làm thêm bất cứ xét nghiệm nào để chẩn đoán.
  • Ngoại trừ một số trường hợp trẻ có bệnh sử chấn thương rõ và khám lâm sàng còn nghi ngờ có gãy xương hay trật khớp, thì bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang bàn tay, để xác định chẩn đoán.
  • Ngoài ra, con bạn còn có thể phải làm một số xét nghiệm tiền phẫu khi bé có chỉ định phẫu thuật, các xét nghiệm này tùy thuộc vào mỗi trung tâm.

Có các phương pháp điều trị nào?

Hiện nay, ở trẻ em, có 2 phương pháp điều trị chính, vẫn còn được bàn cãi nhiều: điều trị bảo tồn và phẫu thuật.

  • Điều trị bảo tồn: có các phương pháp: đeo nẹp ngón tay; hạn chế cử động ngón đồng thời mát xa thụ động ngón tay bị tật; không làm gì cả và theo dõi định kì bởi bác sĩ chuyên khoa. Tỉ lệ thành công của phương pháp “chỉ theo dõi” theo các nghiên cứu gần đây là khá khả quan, từ 50% đến 60%. Các trường hợp thất bại đều được phẫu thuật.
  • Phẫu thuật: có các phương pháp: cắt ròng rọc A1 qua da; mổ mở cắt ròng rọc A1. Các phẫu thuật viên thường chọn cách mổ mở, vì vùng xung quanh ròng rọc A1 là các mạch máu và thần kinh quan trọng đối với ngón liên quan. Tỉ lệ thành công của phẫu thuật là 100% theo tất cả các nghiên cứu từ trước đến nay.
Hình 3: Gân gấp ngón 1 sau khi đã cắt ròng rọc A1

Ưu và khuyết của từng phương pháp?

Điều trị bảo tồn:

  • Ưu: không có bất cứ can thiệp xâm lấn vào cơ thể, tránh các nguy cơ của 1 cuộc phẫu thuật.
  • Khuyết: trẻ có thể bị một số hạn chế về hoạt động cầm nắm, vì tư thế ngón bị cứng khi trẻ bước qua lứa tuổi tập vận động tinh vi (đặc biệt khi ngón bị tật là ngón cái). Thậm chí một số hiếm trẻ có thể bị cứng khớp vĩnh viễn.

Phẫu thuật:

  • Ưu: giải quyết triệt để vấn đề, giải phóng hoàn toàn gân gấp, đem lại cử động gập – duỗi hoàn toàn cho ngón tay.
  • Khuyết:
    • Tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật được báo cáo là 4%, nguyên nhân là do phẫu thuật ở những trẻ quá nhỏ, dẫn đến phẫu trường nhỏ, dễ bỏ sót 1 phần của ròng rọc A1.
    • Nguy cơ của gây mê và phẫu thuật bất kì đối với trẻ em.
    • Nguy cơ tổn thương thần kinh và mạch máu của ngón tay liên quan.
    • Gân gấp như “dây cung” khi phẫu thuật viên cắt quá nhiều lên phía trên ròng rọc A1, là vị trí của dây chằng chéo, cần giữ lại để bảo đảm vị trí giải phẫu của gân gấp ngón.

Vậy tôi nên lựa chọn như thế nào?

  • Lựa chọn phương pháp điều trị là sự thống nhất giữa ý kiến của cha mẹ trẻ và kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa.
  • Về phía bác sĩ: Gần đây đã có nhiều nghiên cứu ủng hộ phương pháp điều trị bảo tồn, bác bỏ mọi khẳng định cũ về độ tuổi phát hiện và thời gian theo dõi. Quan điểm hiện nay là nên điều trị bảo tồn đối với mọi trẻ khi phát hiện và thời gian dự kiến theo dõi là 2 năm. Nếu thất bại mới bắt đầu phẫu thuật.
  • Hoặc phẫu thuật sớm hơn, ngay khi phát hiện hoặc chỉ theo dõi 1 thời gian ngắn hơn, là phụ thuộc quyết định của cha mẹ trẻ, sau khi cân nhắc ưu và khuyết của từng phương pháp.

Di chứng và hồi phục?

  • Nếu trẻ của bạn được điều trị bảo tồn thành công, mà còn tồn tại bất cứ khiếm khuyết về cử động hay cứng khớp đều có thể khắc phục bằng tập vật lí trị liệu ngón tay, luyện tập theo thời gian.
  • Nếu thất bại với điều trị bảo tồn (hoặc thống nhất ý kiến giữa cha mẹ trẻ và bác sĩ chuyên khoa) tất cả trẻ đều được phẫu thuật.
  • Và để tránh các khuyết điểm của phẫu thuật thì bạn nên cân nhắc về độ tuổi của trẻ (để chịu ít tổn thất nhất về gây mê, và để ngón tay đủ lớn giúp phẫu thuật viên dễ thao tác) và nên chọn các trung tâm phẫu thuật nhi lớn, với các bác sĩ đủ kinh nghiệm.

Con tôi có cần nằm viện lâu không? Chăm sóc sau phẫu thuật như thế nào?

  • Nếu cuộc phẫu thuật không có bất kì biến cố nào, thì con bạn có thể chỉ nằm viện 1 ngày, hoặc tối đa 3 ngày, tùy phương án bạn chọn. Bạn có thể nhận tư vấn kĩ hơn tại trung tâm bạn khám bệnh.
  • Trẻ sẽ được hẹn tái khám sau 1 tuần, để xem xét sự lành vết mổ và quyết định cắt chỉ. Quá trình chăm sóc nên chú ý vấn đề vệ sinh vì trẻ ở lứa tuổi này rất năng động, nếu cần thiết bạn nên thay băng vết mổ mỗi ngày.
  • Việc tập luyện sau phẫu thuật đối với hầu hết trẻ: tập các cử động cầm nắm, chụp bắt, đối ngón bằng các trò chơi đơn giản. Hoặc các bài tập chuyên sâu sẽ được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa đối với các trẻ có chỉ định tập vật lí trị liệu.

Tài liệu tham khảo

  • TRIGGER THUMBS IN CHILDEN: A Review of the Natural History and Indications for Treatment in 105 Patients, J. M. DINHAM and B. F. MEGGITT, LONDON, ENGLAND, 1974
  • ACQUIRED THUMB FLEXION CONTRACTURE IN CHILDREN, J. B. SLAKEY, W. L. HENNRIKUS, From the Naval Hospital, San Diego, USA, 1996
  • THE OUTCOME OF TREATMENT OF TRIGGER THUMB IN CHILDREN, R. A. Dunsmuir, D. A. Sherlock, From the Royal Hospital for Sick Children, Glasgow, Scotland, 2000
  • THE NATURAL HISTORY OF PEDIATRIC TRIGGER THUMB, Goo Hyun Baek, MD, Ji Hyeung Kim, MD, Moon Sang Chung, MD, Seung Baik Kang, MD, Young Ho Lee, MD, and Hyun Sik Gong, MD, Investigation performed at the Department of Orthopedic Surgery, Seoul National University College of Medicine, Seoul, South Korea, 2008.
  • http://www.4kidsortho.com/trigger-finger.html

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*