U não trẻ em

U não là gì?

U não là một khối do sự phát triển bất thường của các tế bào trong não. Trong tất cả các loại ung thư ở trẻ em, u não đứng vị trí thứ 2 sau ung thư máu.

Hình 1: Khối u trong não

Ác tính hay lành tính?

  • Đa phần u não trẻ em là u ác tính. Tuy nhiên cũng có một số loại u não lành tính: u đám rối màng mạch não thất, u mạch máu dạng hang, u màng não.
  • U ác tính thường phát triển rất nhanh và có xu hướng di căn sớm, trong khi đó u lành tính thường phát triển chậm, hiếm khi di chuyển tới các vị trí khác.
  • Xác định u ác tính hay lành tính dựa vào kết quả giải phẩu bệnh lý (quan sát u dưới kính hiển vi).

Biểu hiện như thế nào?

  • Biểu hiện của u não tùy thuộc vào kích thước, vị trí và tốc độ phát triển của khối u.
    • U vùng tuyến yên (tuyến nội tiết quan trọng của cơ thế) thường biểu hiện rối loạn nội tiết: dậy thì sớm (bể tiếng, rậm lông…), đái tháo nhạt (tiểu nhiều); và giảm khả năng nhìn do chèn ép vào thần kinh thị giác.
    • U đám rối mạch mạc não thất 3 thường biểu hiện bằng triệu chứng của não úng thủy (đầu nước) do u tăng sản xuất dịch não tủy.
  • Thông thường có 2 vấn đề chính do khối u gây ra: tăng áp lực trong sọ do khối u chiếm chỗ, u chèn ép gây tắc nghẽn dòng chảy của dịch não tủy gây ra đầu nước hoặc chèn ép vùng vận động động, dây thần kinh gây yếu liệt.
Hình 2: U não chèn ép gây tắc đường lưu thông dịch não tủy (mũi tên vàng)
  • Triệu chứng thường gặp của u não:
    • Đau đầu: thường đau vào buổi sáng sớm khi mới ngủ dậy.
    • Nôn ói không giải thích được: nhiều trẻ biểu hiện nôn ói kéo dài vài tuần rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảnh rối loạn tiêu hóa.
    • Không giữ thăng bằng được, đi không vững, hay té.
    • Yếu liệt vận động: tay, chân, méo miệng, lé mắt, nuốt sặc….
    • Co giật đặc biệt ở những trẻ chưa từng co giật trước đó
    • Giảm khả năng nhìn: nhìn mờ, nhìn 2 hình, lé mắt..
    • Thay đổi tính tình, hành vi
    • Giảm hay mất khả năng nghe

Làm sao để chẩn đoán?

  • Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện nghi ngờ bệnh, hãy đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa ngoại thần kinh.
  • Bác sỹ sẽ thăm khám, đánh giá chức năng thần kinh cho trẻ. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được chỉ định chụp CT đầu (chụp cắt lớp) hoặc MRI đầu (cộng hưởng từ) để khảo sát thêm. Thông thường trẻ sẽ được chụp CT đầu trước (dễ thực hiện, nhiều bệnh viện được trang bị máy) và khảo sát MRI đầu sau đó nếu nghi ngờ u.
  • Chẩn đoán bản chất u (lành hay ác, loại u gì) phải dựa vào mô học: phẩu thuật lấy hết u hoặc 1 phần u sau đó quan sát dưới kính hiển vi.
Hình 3: Khối u não trên MRI

Điều trị như thế nào?

  • Tùy thuộc vào kích thước, vị trí và bản chất khối u các bác sỹ sẽ chọn cách điều trị phù hợp. Thông thường bệnh nhi sẽ được phẩu thuật để cắt u trước sau đó căn cứ bản chất khối u (dựa vào mô học) có thể phải xạ trị (bắn tia) và hóa trị (truyền thuốc) tiếp.
Hình 4: Điều trị u não: Phẩu thuật, Hóa trị, Xạ trị ( từ trái qua phải)
  • Ngoại trừ một số loại u não lành tính có thể phẩu thuật cắt hoàn toàn, tỉ lệ tái phát thấp mà không cần phải xạ trị hoặc hóa trị. Các loại u ác tính khác đòi hỏi phải phối hợp nhiều cách thức điều trị với thời gian kéo dài và tỉ lệ tái phát còn cao.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*