Tắc ruột sơ sinh

Định nghĩa

Tắc ruột được định nghĩa là sự tắc nghẽn lưu thông của dịch và thức ăn trong lòng ruột dẫn tới các biểu hiện như: Nôn ói dịch xanh vàng, ọc sữa, bụng trướng, bí đại tiện.

Nguyên nhân

  • Ở từng nhóm tuổi khác nhau, nguyên nhân của tắc ruột cũng khác nhau. Ở người lớn và trẻ lớn, nguyên nhân có thể là do bướu ở ruột, do dây dính gây tắc ruột… Ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân tắc ruột rất khác biệt.
  • Các nguyên nhân thường gặp:
    • Tắc ruột do phân su trong lòng ruột quánh đặc;
    • Tắc ruột do bệnh Hirschsprung
    • Tắc ruột do teo ruột non
    • Tắc ruột do xoắn ruột

Triệu chứng Chẩn đoán

Ở trẻ sơ sinh, tắc ruột được biểu hiện bằng: bé bú ọc sữa, ọc dịch xanh vàng, bụng trướng, không đi phân su (Bệnh Hirschsprung, tắc ruột phân su, teo ruột non) hay có phân su nhưng sau đó bí đại tiện, đi cầu máu (xoắn ruột).

Để chẩn đoán xác định tắc ruột và tìm gợi ý nguyên nhân, một số xét nghiệm có thể được thực hiện:

  • Xquang bụng ngực thấy hình ảnh các quai ruột trướng hơi, có thể có mức khí dịch trong lòng ruột nếu chụp phim nằm tia ngang.
Hình 1: Xquang tắc ruột ở sơ sinh: các quai ruột trướng hơi dãn to.
Hình 2: Xquang bé tắc ruột phân su, thấy các kết thể phân su và các quai ruột trướng hơi.
  • Siêu âm cũng có vai trò trong chẩn đoán, quan sát được các quai ruột dãn, đoạt ruột hẹp dưới chổ tắc, dịch ổ bụng.
  • Bác sĩ có thể cần một số xét nghiệm cần thiết khác như: Chụp thực quản, dạ dày, ruột cản quang; Ion đồ, Công thức máu; Chức năng đông máu…

Điều trị

Hội sức nội khoa

  • Bé được truyền dịch bù lại nước và điện giải, cho kháng sinh, giữ ấm cơ thể chuẩn bị cho cuộc mổ.

Phẫu thuật

  • Nếu nguyên nhân là teo ruột non: Bé sẽ được khâu nối ruột, đặt sonde hỗng tràng nuôi ăn. Có thể sẽ được làm hậu môn tạm. (xem thêm bài không hậu môn để hiểu thêm về hậu môn tạm, và bài teo ruột non.)
  • Nếu do xoắn ruột: Ruột còn hồng sẽ được tháo soắn, ruột đã xoắn lâu hoại tử sẽ được cắt bỏ, khâu nối ruột một thì hoặc làm hậu môn tạm nếu tình trạng ổ bụng xấu.
  • Các nguyên nhân khác (Hirschprung, tắc ruột phân su): Trẻ được làm hậu môn tạm, sinh thiết ruột làm giãi phẫu bệnh lí.

Hậu phẫu

  • Trẻ cần được nằm hồi sức sơ sinh sau mổ
  • Tiếp tục bồi hoàn nước và điện giải, kháng sinh.
  • Nhịn sữa, nuôi ăn tĩnh mạch.
  • Trẻ sẽ được cho ăn lại khi sonde dạ dày dịch trong, bụng mền hết trướng.

Tiên lượng – Theo dõi

  • Trẻ có tiên lượng trung bình, tắc ruột là bệnh cảnh nặng nhất là ở sơ sinh.
  • Sau khi ổn định, trẻ sẽ được lên kết hoạch điều trị tiếp tục gồm: phẫu thuật đóng hậu môn tạm, phẫu thuật Hirschsprung…
  • Trẻ tắc ruột sơ sinh có thể sẽ bị tắc ruột lại trong tương lai do dính, do chậm hoạt động  miệng nối ruột

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*