Teo thực quản là gì?
- Là sự gián đoạn lưu thông của thực quản, có hoặc không kèm theo sự thông thương giữa khí quản và thực quản.
Dị tật phối hợp
Teo thực quản thường kèm theo các dị tật khác
- Tim mạch (13 -34%): thông liên thất, còn ống động mạch, thông liên nhĩ, tứ chứng Fallop…
- Hệ xương (12%): thiểu sản xương quay, đốt sống thừa, cột sống nhiều mảnh, dính đốt sống…
- Tiết niệu sinh dục (18%): lỗ tiểu thấp, tinh hoàn ẩn, bất sản thận, thận nước, dị tật ống niệu rốn…
- Dị dạng hậu môn trực tràng (khoảng 12%)
- Tiết niệu-sinh dục…
Tần suất: teo thực quản xảy ra với tần suất 1/4.500 – 1/3.000 trẻ sinh ra sống
Tại sao bị teo thực quản: Đây là một dị tật bẩm sinh do rối loạn sự phát triển trong bào thai ở giai đoạn từ 4 – 6 tuần mà nguyên nhân vẫn chưa tìm thấy.
Phân loại teo thực quản:
Teo thực quản được chia 5 loại:
- A: teo thực quản đơn thuần không có đường rò (7%)
- B: có đường rò khí quản- túi cùng trên thực quản (1%)
- C: có đường rò khí quản- túi cùng dưới thực quản (85%)
- D: rò khí quản- 2 túi cùng trên và dưới thực quản (1%)
- E: rò khí quản thực quản không teo thực quản (4%)
Triệu chứng Teo thực quản
- Sùi nước bọt liên tục ra mũi, miệng, tái lập nhanh sau khi hút sạch. Nhìn giống bọt con cua
- Suy hô hấp, tím tái từng cơn do hít sặc, viêm phổi
- Bụng trướng (loại C) hoặc bụng xẹp (loại A)
Qui trình chẩn đoán
- Bệnh sử: mẹ đa ối, sanh non, bé bú bị ho sặc sụa, tím tái, nghẹt thở
- Lâm sàng: trào ngược bọt ở miệng, không đặt thông mũi dạ dày vào được dạ dày
- Cận lâm sàng: cần thiết cho chẩn đoán teo thực quản và dị tật đi kèm.
- X quang ngực bụng giúp khẳng định chẩn đoán: hình ảnh ống thông dạ dày bị cuộn ở túi cùng trên và có hơi trong dạ dày nếu có rò khí quản vào túi cùng dưới thực quản (hình 1). Ngoài ra có thể phát hiện dị tật xương sống và chi, tắc ruột. Khi bơm ít thuốc cản quang vào ống thống thực quản sẽ thấy rõ hình ảnh thực quản bị gián đoạn
- Siêu âm tim tìm bệnh tim bẩm sinh, vị trí cung động mạch chủ
- Siêu âm hệ tiết niệu
Teo thực quản có cần phẫu thuật không?
- Khi đã có chẩn đoán xác định cần phẫu thuật cho bé để tái lập lưu thông đường tiêu hóa giúp trẻ nuốt được và sống
Khi nào mổ?
- Được tiến hành sớm khi đã hồi sức tốt và đã tầm soát những dị tật tim mạch, việc trì hoãn phẫu thuật cần đặt ra khi có vấn đề về hô hấp trầm trọng.
Chuẩn bị trước mổ như thế nào?
- Đặt thông dẫn lưu túi cùng trên thực quản và hút ngắt quãnh tránh bệnh nhi hít nước bọt vào phổi gây viêm phổi hít, giữ ấm, hỗ trợ hô hấp, kháng sinh, điều chỉnh rối loạn nước điện giải
- Xét nghiệm công thức máu, chức năng gan thận, đông máu toàn bộ, nhóm máu, khí máu động mạch
- Xét nghiệm hình ảnh học đánh giá dị tật đi kèm: siêu âm tim, siêu âm bụng, x-quang ngực bụng
- Thăm khám kĩ trước mổ
- Bác sĩ gây mê sẽ khám và tư vấn các vấn đề liên quan đến gây mê cho bé
Phương pháp mổ
- Cắt khâu đường rò, khâu lại, tái lập lưu thông thực quản (hình 2). Đặt một ống thông qua chỗ nối để nuôi ăn sớm cho trẻ.
- Một ống thông sẽ được đặt vào khoang màng phổi để dẫn lưu và theo dõi biến chứng xì miệng nối thực quản.
- Trong trường hợp hai đầu thực quản quá xa không nối được ngay. BS sẽ mở dạ dày ra da để nuôi ăn. Phẫu thuật tái tạo thực quản sẽ được tiến hành sau đó 6-12 tháng.
Chăm sóc sau mổ?
- Nằm đầu cao
- Ủ ấm
- Thông dạ dày lưu trung bình từ 5- 7 ngày để dẫn lưu dịch dạ dày và nuôi ăn
- Kháng sinh chích tĩnh mạch và bồi hoàn nước điện giải
- Theo dõi phát hiện biến chứng.
Biến chứng sau mổ?
- Rò miệng nối (10 – 20%) thường sẽ tự lành, hiếm khi cần mổ lại
- Hẹp miệng nối (17 – 59%) sẽ được điều trị bằng cách nong thực quản dưới gây mê. Nong thực quản có thể được thực hiện nhiều lần khi hẹp tái phát. Trong trường hợp hẹp tái phát quá nhiều lần cần phải nong thường xuyên, bệnh nhi cần được phẫu thuật làm lại miệng nối.
- Xì chỗ khâu đường rò khí – thực quản cần được mổ lại ngay để khâu lại.
- Rò khí-thực quản tái phát thực xảy ra sau một vài tháng. Khi rò tái phát cần được phẫu thuật làm lại miệng nối.
- Mềm sụn khí quản (20%)
- Trào ngược dạ dày thực quản (39 – 72%)
- Viêm phổi.
Tái khám khi nào?
Mỗi tháng trong 6 tháng đầu, sau đó mỗi 3- 6 tháng, sau đó mỗi năm.
Tài liệu tham khảo
- Phác đồ điều trị Ngoại nhi Bệnh viện Nhi Đồng 1- 2
- George Whitfield Holcomb III, J. Patrick Murphy. Esophageal atresia and tracheo-esophageal fistula .Aschraft’s Pediatric Surgery,5th Edition -2010
- Prem Puri. Esophageal atresia and tracheo-esophageal fistula. Newborn Surgery 3rd Edition
Be the first to comment