Thoát vị bẹn

thoat vi ben
thoat vi ben

Thế nào là thoát vị bẹn

  • Trong thời kì bào thai, vào khoảng tháng thứ 7, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp màng bụng tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc.
  • Bình thường khi trẻ sinh ra thì ống này đóng lại. Nếu ống này không đóng lại thì sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) chui vào ống làm thành một khối phồng ở vùng bẹn của trẻ gây nên bệnh gọi là thoát vị bẹn ở bé trai và thoát vị ống Nuck ở bé gái.

Tần suất xuất hiện

  • Tỷ lệ gặp từ 0,8 – 4,4% ở trẻ em
  • Ở trẻ sinh non tần suất lên đển 30% tùy theo tuổi thai.
  • Tuổi: gặp nhiều nhất ở năm đầu tiên, đỉnh cao là tháng thứ nhất.
  • Bệnh xảy ra ở cả hai giới nhưng bé trai có tỷ lệ bệnh cao hơn bé gái 5-10 lần
  • 60% thoát vị bẹn xảy ra bên phải, 25%-30% xảy ra bên trái, 10%-15% xảy ra cả hai bên.

Nguyên nhân: Do sự tồn tại của ống phúc tinh mạc còn thông  thương là yếu tố chủ yếu trong thoát vị bẹn bẩm sinh

Triệu chứng thoát vị bẹn

  • Thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối phồng (khối thoát vị) tại vùng bẹn bìu ở bé trai và ở gần âm hộ của bé gái.
trieu chung thoat vi ben
Hình 1: thoát vị bẹn bên trái
    Hình 2: thoát vị ống Nuck bên phải
  • Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi trẻ ho, khóc, rặn khi đi đại tiện hay sau những vận động mạnh như chạy nhảy, tập thể dục… Lúc trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, khối phồng xẹp đi, vùng bẹn của trẻ trở lại như bình thường. Người nhà cần quay phim hoặc chụp lại hình ảnh khối phồng xuất hiện và trình cho bác sĩ khi dẫn bé khi khám bệnh
  • Tinh hoàn ẩn có thể cùng tồn tại với thoát vị bẹn nên phải được xác định kỹ

Các dấu hiệu để nhận biết thoát vị bẹn bị nghẹt:

  • Khối phồng tại vùng bẹn không xẹp lại như mọi khi mà căng cứng, sờ vào gây đau, da trên khối phồng có thể đổi màu, thân nhiệt tăng và dấu hiệu tắc ruột trở nên rõ ràng.
  • Trẻ nhỏ thì bỏ bú, nôn ói, tình trạng bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn thì than đau vùng bẹn.
  • Khi có hiện tượng thiếu máu cho ruột kẹt trong khối thoát vị, bệnh nhi đau nhiều hơn
  • Máu có thể có trong phân
  • Khi thăm khám, bác sĩ không thể đầy khối thoát vị lên được

Qui trình chẩn đoán bệnh

  • Chẩn đoán thoát vị bẹn chủ yếu dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng
  • Thường thoát vị bẹn được cha mẹ hoặc thầy thuốc phát hiện
  • Bệnh sử đã rõ nhưng việc khám lại để xác định vẫn là điều cần thiết
  • Siêu âm đôi khi được sử dụng giúp phân biệt thoát vị bẹn nghẹt và thủy tinh mạc…

Cách thức điều trị

  • Thoát vị bẹn phải mổ vì bệnh không khỏi mà gây đau, biến chứng nghẹt, và gây thiếu máu nuôi làm tinh hoàn bên thoát vị kém phát triển.
  • Khuynh hướng ngày nay thoát vị bẹn được giải quyết sớm, nghĩa là bất cứ tuổi nào trừ trẻ có bệnh lý khác nặng hơn đi kèm như: shock, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng… mà chưa điều trị ổn.

Phương pháp phẫu thuật Thoát vị bẹn

  • Nam: chỉ cần cắt cột ống phúc tinh mạc sau khi tách ống phúc tinh mạc ra khỏi ống dẫn tinh và mạch máu
  • Nữ: mở túi chứa và quan sát bên trong trước khi cắt túi chứa.

Phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn có thể thực hiện qua ngả mổ mở hay nội soi ổ bụng. Phẫu thuật nội soi được lựa chọn khi trẻ bị thoát vị bẹn 2 bên.

Cách thức chăm sóc sau khi mổ

  • Chế độ ăn bình thường như mọi ngày
  • Dùng thuốc: giảm đau trong 3 ngày
  • Thay băng vết mổ băng ướt.
  • Tái khám sau 1 tuần và cắt chỉ

Những biến chứng thường gặp sau khi mổ Thoát vị bẹn

  • Chảy máu
  • Khối máu tụ vùng bẹn thường tự khỏi mà không cần mổ lấy đi.
  • Nhiễm trùng cần điều trị kháng sinh
  • Thoát vị bẹn tái phát cần phẫu thuật lại bởi những phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm.

Tài liệu tham khảo

  • Phác đồ điều trị bệnh viện Nhi Đồng 2
  • Ashcraft’s Pediatric Surgery 5e (2010)
  • Operative Pediatric Surgery 2nd McGraw-Hill (2014)