1. U xương là gì?
- U xương là hiện tượng các tế bào xương phát triển và phân chia một cách bất thường, tạo thành khối u trong xương. Khi khối u phát triển, các mô bình thường có thể bị phá hủy và ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể.
- Khối u xương có thể ảnh hưởng đến bất cứ xương nào trong cơ thể và phát triển ở bất cứ vị trí nào của xương, từ bề mặt đến trung tâm (hình 1).
- U xương nguyên phát đứng hàng thứ 6 trong các loại u ở trẻ em.
- Đa số các u thường ít gặp ở độ tuổi dưới 10 tuổi
2. Tại sao trẻ mắc bệnh u xương?
- Nguyên nhân u xương vẫn chưa được xác định.
- Các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm di truyền, chấn thương xương hoặc điều trị bức xạ…
3. U xương có nguy cơ ác tính hay không?
- Đa số các u xương là lành tính. Một số u xương lành tính thường gặp:
- U xương dạng xương (Osteoid osteoma)
- U nguyên bào xương (Osteoblastoma)
- U xương sụn (Osteochondroma)
- U xơ không cốt hóa (Nonossifying fibroma)
- Nang xương đơn độc (Unicameral bone cyst)
- Nang xương phình mạch (Aneurysmal bone cyst)
- Tuy nhiên cũng có những trường hợp u ác tính cần được phát hiện và điều trị sớm vì bệnh có thể di căn (phổi, tuyến giáp, thận…) và tổn thương những mô xương bình thường. Hai loại u ác tính thường gặp ở trẻ em là Sarcom xương và Sarcom Ewing.
3. Những biểu hiện của u xương, đặc biệt là u ác tính
- Các khối u xương lành tính có thể không dẫn đến bất cứ dấu hiệu nhận biết nào. Đôi khi khối u có thể vô tình được phát hiện thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Những tường hợp có biểu hiện thường đến khám vì khối sưng hoặc đau
- Đau, đặc biệt là đau ban đêm thường gặp ở u ác và một số u lành như u xương dạng xương. Các tổn thương ác tính gây đau tăng dần trong thời gian vài tuần đến vài tháng. Đau đột ngột thường do gãy xương bệnh lý. Gãy bệnh lý thường gặp nhất ở các bọc xương cánh tay và xương đùi.
- Khối sưng ở phần mềm vị trí tổn thương xương (hình 2): thường nghĩ đến ác tính. Tuy nhiên có một số u lành tính có tổn thương mô mềm: nang xương phình mạch, u tế bào to (GCT), u xương dạng xương. Khối ở mô mềm đều gặp ở sarcome Ewing và sarcome xương nhưng rõ nét hơn ở sarcome Ewing nên đây là đặc điểm phân biệt.
- Triệu chứng toàn thân: sốt, sụt cân.
4. Làm sao để chẩn đoán u xương?
- X Quang để xác định vị trí cũng như kích thước của u.
- Một số cận lâm sàng khác có thể được đề nghị tùy tình huống.
- Chụp CTscan
- MRI
- PET scan
- Xạ hình xương
- Xét nghiệm máu: công thức máu, CRP, tốc độ lắng máu, Alkaline phosphatase.
- Sinh thiết xương: Thường sinh thiết mở (open biopsy) trong hầu hết các trường hợp. Sinh thiết bằng kim (needle biopsy) khi tổn thương nằm ở vị trí khó với tới và các trường hợp đặc biệt.
5. Chẩn đoán phân biệt
- Viêm xương
- Viêm cơ cốt hóa
- Chấn thương
6. Điều trị
Tất cả u xương dù là lành tính hay ác tính cũng cần được theo dõi và điều trị vì có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể (do mô bình thường bị phá hủy).
Tùy theo loại u là lành tính hay ác tính mà có chiến lược điều trị khác nhau.
U xương lành tính
- Không phẫu thuật:
- Điều trị nội khoa (thuốc) và theo dõi: đáp ứng với một số loại u (như thuốc kháng viêm điều trị u xương dạng xương…)
- Tiêm steroid, tiêm tủy xương: đối với các loại u dạng nang (u nang đơn độc, u nang đa ổ)
- Phẫu thuật
- Phẫu thuật nạo nang và ghép xương.
- Phẫu thuật cắt u
- Một số u như u xương dạng xương có thể can thiệp bằng cắt đốt vô tuyến cao tần.
U xương ác tính
- Điều trị phẫu thuật:
- Phẫu thuật bảo tồn: Phẫu thuật thường nhằm mục đích loại bỏ phần xương bị ung thư nhưng bảo tồn các cơ, gân, dây thần kinh và mạch máu (nếu có thể). Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ các khối u và một phần của mô khỏe mạnh xung quanh. Xương được cắt bỏ sẽ được thay thế bằng một bộ phận kim loại hoặc một phần xương khác trong cơ thể của người bệnh.
- Phẫu thuật cắt chi: Trong trường hợp phẫu thuật bảo tồn không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt chi. Phẫu thuật này được đề nghị thực hiện khi khối u xương có kích thước lớn hoặc gây chèn ép các dây thần kinh và mạch máu liên quan.
- Xạ trị: Xạ trị sử dụng tia X liều cao để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u xương. Phương pháp này chỉ có hiệu quả điều trị các khối u trong khu vực của chùm tia và không điều trị ung thư ở các khu vực khác trong cơ thể. Bác sĩ có thể xác định hiệu quả của liệu pháp và đề nghị các liệu pháp điều trị kết hợp.
- Hóa trị (điều trị toàn thân): Hóa trị thường được sử dụng để tiêu diệt các tế bào khối u khi khối u đã di căn vào máu nhưng chưa được phát hiện trên các xét nghiệm y tế. Hóa trị cũng được sử dụng để điều trị khi các tế bào ung thư có nguy cơ lây lan cao. Thuốc hóa trị thường được tiêm vào tĩnh mạch hoặc sử dụng dưới dạng viên nang và viên con nhộng.
7. Tiên lượng, theo dõi
- Tiên lượng cho u xương phụ thuộc vào loại khối u là ác tính hay lành tính
- Hầu hết các khối u lành tính đáp ứng tốt với phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên khối u thể tái phát, mặc dù khả năng tái phát không cao, thường là dưới 5%. Nguy cơ u xương lành tính phát triển thành ác tính rất thấp.
- Đối với các u ác tính, tỉ lệ sống 5 năm có thể lên đến 80% nếu được điều trị thích hợp.
- Trẻ cần được tái khám theo dõi các biến chứng liên quan, vấn đề tái phát (có thể gặp ở cả u lành và u ác) và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
Tài liệu tham khảo
- Huỳnh Mạnh Nhi. Bướu xương, phần mềm. Chỉnh hình nhi thực hành, tr 365 – 384.
- https://www.uptodate.com/contents/nonmalignant-bone-lesions-in-children-and-adolescents
- http://bvdkquangnam.vn/index.php/ao-to-nckh/tp-san-y-hc/2868-2019-07-07-02-06-28
- https://ihr.org.vn/u-xuong-1033.html
- https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/osteoid-osteoma
Be the first to comment