Viêm mủ màng phổi

Đại cương

  • Viêm mủ màng phổi là sự tích tụ mủ trong khoang màng phổi, do nhiều nguyên nhân như viêm màng phổi, viêm phổi, phẫu thuật lồng ngực, chấn thương hoặc kết hợp nhiều yếu tố gây nên.
  • Nguyên nhân thường gặp của viêm mủ màng phổi ở trẻ em là do viêm phổi trước đó.
  •  Viêm mủ màng phổi chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn xuất tiết, giai đoạn fibrin hóa, giai đoạn tổ chức hóa. Tùy theo giai đoạn mà có phương pháp điều trị khác nhau.
Hình 1. Hình ảnh viêm mủ màng phổi giai đoạn fibrin hóa

Tác nhân gây bệnh

  • Tác nhân thường gặp: Staphylococcus aureus. Tác nhân ít gặp: phế cầu, Klebsiella, Mycoplasma.

Triệu chứng lâm sàng

  • Nguyên nhân thường gặp của viêm mủ màng phổi ở trẻ em là nhiễm trùng liên quan đến viêm phổi trước đó nên triệu chứng cơ năng điển hình bao gồm triệu chứng viêm hô hấp như sốt, ho.
  • Nặng hơn là suy hô hấp kèm mệt mỏi, sốt dai dẳng, đau ngực kiểu màng phổi.
  • Thăm khám:
    • Bệnh nhân vẻ mặt nhiễm trùng, mô khô, lưỡi dơ
    • Thở nhanh, co kéo các cơ hô hấp phụ, cánh mũi phấp phồng
    • Gõ đục vùng thấp
    • Nghe thấy âm phế bào giảm bên khoang màng phổi bị tràn dịch

Chẩn đoán

  • Tổng phân tích tế bào máu, CRP: xác định có tình trạng nhiễm trùng
  •  X-quang ngực: mờ góc sườn hoành hoặc mờ 1/2 dưới phổi hoặc toàn bộ phổi kèm đẩy lệch trung thất về phía đối diện, hơi vẹo cột sống lõm về phía tràn mủ màng phổi. (hình 2)
  • Siêu âm ngực: có dịch màng phổi.
  • Cấy máu.
  • Dịch màng phổi: sinh hóa, tế bào, soi tươi nhuộm Gram, cấy và kháng sinh đồ.
  • Chỉ định chụp cắt lớp vi tính:
    • Thất bại sau 48-72 giờ điều trị nội, cần can thiệp phẫu thuật.
    • Nghi ngờ dày dính màng phổi.
    • Kèm bệnh lý nhu mô phổi: áp xe, viêm phổi hoại tử, cơ địa suy giảm miễn dịch.
Hình 2: XQ ngực thằng (A) và nghiêng (B) cho thấy tràn dịch màng phổi phải.

Điều trị

Việc phát hiện sớm và điều trị viêm phổi ở trẻ em giúp giảm tỉ lệ viêm mủ màng phổi. Điều trị viêm mủ màng phổi tùy vào tình trạng lâm sàng, giai đoạn bệnh mà bệnh nhi được chẩn đoán.

Nguyên tắc điều trị: kháng sinh phù hợp đường tĩnh mạch ± chọc hút/ dẫn lưu ± can thiệp ngoại khoa để làm sạch khoang màng phổi.

Điều trị nội khoa

  • Kháng sinh
  • Chọc dịch (mủ) màng phổi ± dẫn lưu: tùy thuộc vào mức độ dịch (mủ) trong màng phổi và tình trạng suy hô hấp.
  • Dẫn lưu kết hợp thuốc tiêu sợi huyết: ít dùng, hiệu quả chưa rõ ràng, chi phí cao.
  • Điều trị hỗ trợ: oxy, dịch truyền/ dinh dưỡng, hạ sốt, giảm đau.

Điều trị ngoại khoa

  • Thường cần can thiệp phẫu thuật trong viêm mủ màng phổi giai đoạn fibrin hóa và giai đoạn tổ chức hóa.
  • Phẫu thuật ở đây bao gồm: phẫu thuật mở ngực, phẫu thuật nội soi lồng ngực hỗ trợ (hình 3).
  • Ngày nay, phẫu thuật nội soi lồng ngực hỗ trợ được sử dụng ngày càng nhiều trong viêm mủ màng phổi ở trẻ em với những ưu điểm: giúp chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, xâm lấn tối thiểu, làm sạch khoang màng phổi dưới sự kiểm soát khá tốt vì quan sát được phần lớn khoang màng phổi, giảm đau, thẩm mỹ hơn.
  • Tuy nhiên, phẫu thuật mở ngực vẫn có vai trò quan trọng trong một số trường hợp bệnh nặng (giai đoạn tổ chức hóa) hoặc chống chỉ định phẫu thuật nội soi.
Hình 3: Kỹ thuật phẫu thuật nội soi lồng ngực hỗ trợ
“Nguồn: Kurt B. 2006”.

Chăm sóc sau mổ

  • Sau mổ có thể nằm phòng hồi sức tích cực nếu trước đó tổng trạng bệnh nhân xấu.
  • Theo dõi sinh hiệu, kháng sinh, giảm đau
  • Tập vật lí trị liệu hô hấp được thực hiện 1 ngày sau khi đặt ODL màng phổi và kéo dài ít nhất 3 tháng. Mục đích tập sớm để mủ thoát ra ngoài dễ dàng hơn và đề phòng dày dính màng phổi về sau

Tái khám

  • Hai tuần trong 2 tháng hoặc sớm hơn nếu có bất thường.

Tài liệu tham khảo

  • Trương Nguyễn Uy Linh, Lê Nguyễn Ngọc Diễm, Hồ Trung Cường (2018), “Viêm mủ màng phổi”, Ngoại Nhi lâm sàng, Nhà Xuất bản Y Học, tr. 374-378.
  • George W. Holcomb, J. Patrick Murphy, Daniel J. Ostlie. 2014. ASHCRAFT’S PEDIATRIC SURGERY. London: Elsevier .
  • Tomoaki Taguchi • Tadashi Iwanaka. n.d. Operative General Surgery in Neonates and Infants. Japan: Sringer.
  • Kurt B., Winterhalter K. M., Connors R. H., et al. (2006), “Therapy of parapneumonic effusions in children: video-assisted thoracoscopic surgery versus conventional thoracostomy drainage”, Pediatrics, 118 (3). pp. 547-53.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*