Tinh hoàn ẩn

Tinh hoàn ẩn là gì?

Tinh hoàn ẩn là tinh hoàn không xuống bìu, nằm trong ổ bụng hay trên đường đi của ống bẹn.

Phân loại

  • Tinh hoàn ẩn sờ thấy: sờ được tinh hoàn ở bẹn.
  • Tinh hoàn ẩn không sờ thấy: tinh hoàn ẩn không sờ được ở bẹn.
Hình 1. Tinh hoàn không ở bìu khi khám
Hình 2. Các dạng tinh hoàn ẩn

Nguyên nhân tinh hoàn ẩn

Tinh hoàn là nơi sản xuất nội tiết và sinh tinh trùng. Khi còn trong bụng mẹ, tinh hoàn ở trong bụng, qua vùng bẹn và xuống bìu giai đoạn 28-40 tuần tuổi thai. Sau sanh, khoảng 1-2% trẻ sẽ có 1 tinh hoàn chưa xuống tới bìu. Tỉ lệ này cao hơn ở những trẻ sinh non.

Chưa tìm thấy nguyên chính xác gây ra tinh hoàn ẩn ở trẻ em, các chuyên gia cho rằng trong đa số các trường hợp là do một sự kết hợp của di truyền, sức khỏe bà mẹ và một số yếu tố môi trường

Nguy cơ ở trẻ tinh hoàn ẩn

  • Sinh sản:
    • Ở người, bìu là nơi có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể giúp cho tinh hoàn sản xuất tinh trùng tốt nhất. Tinh hoàn ẩn không được đưa xuống bìu có thể ảnh hưởng đến chức năng. Việc phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu làm cải thiện tình trạng này đáng kể.
  • Hóa ung thư:
    • Khả năng tinh hoàn ẩn hóa ung thư tang nhiều lần so với tinh hoàn trong bìu, cao nhất ở những tinh hoàn nằm trong bụng. Có 2 nguyên nhân được xem là gây ra khả năng hóa ác cao ở tinh hoàn ẩn. Một là do sự khác nhau về nhiệt độ so với bìu không phù hợp với sự phát triển của tinh hoàn và giảm số lượng tế bào mầm. Một nguyên nhân khác nữa liên quan đến nguồn gốc gen và hormone cùng gây ra tinh hoàn ẩn và ung thư tinh hoàn.
  • Xoắn tinh hoàn:
    • Biến chứng này tăng khoảng 10 lần so với tinh hoàn ở vị trí bình thường do tinh hoàn không được cố định tốt ở bìu. Biến chứng của xoắn là hoại tử tinh hoàn làm mất chức năng và lâu dần dẫn đến teo tinh hoàn.
    • Trẻ đau, quấy khóc, sờ đau, phản xa da bìu mất hoặc không có triệu chứng đối với trường hợp teo tinh hoàn do xoắn lúc phôi thai.
  • Thoát vị bẹn nghẹt:
    • Nếu còn tồn tại ống phúc tinh mạc to, ruột sẽ lên xuống bẹn gây thoát vị bẹn, nặng dần khi đoạn ruột khi đi xuống bị kẹt lại, gây hoại tử ruột nếu không điều trị kịp thời.
    • Triệu chứng: khối phồng bẹn bìu không tự xep, gây đau, trẻ quấy khóc nhiều hay nặng hơn là các biểu hiện của tắc ruột như đau bụng từng cơn, nôn ói, cha mẹ phải đưa bé đến bệnh viện ngay.
  • Chấn thương:
    • Nếu tinh hoàn nằm ở bẹn, có thể sẽ bị tổn thương bởi những va chạm vào vùng xương mu.

Chẩn đoán tinh hoàn ẩn

Người nhà đưa trẻ đi khám vì thấy một bên bìu xẹp so với bên đối diện hoặc thấy cả 2 bìu đều xẹp nhỏ.

Khám

  • Nhìn: thấy bìu xẹp
  • Sờ: không sờ thấy tinh hoàn ở bìu, có thể sờ thấy tinh hoàn ở ống bẹn.

Cận lâm sàng

  • Siêu âm: có giá trị trong các bệnh nhân quá béo vì khám lâm sang khó khăn. Siêu âm có giá trị hạn chế trong các trường hợp tinh hoàn ẩn không sờ thấy vì tỉ lệ âm tính giả và dương tính giả cao.
  • Nội soi ổ bụng: có giá trị trong các trường hợp tinh hoàn ẩn không sờ thấy.
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể (karyotype): để phát hiện lưỡng giới trong trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên hoặc tinh hoàn ẩn kèm lỗ tiểu thấp.

Chẩn đoán phân biệt

  • Tinh hoàn co rút: là tinh hoàn không nằm ở bìu nhưng có thể kéo được xuống bìu và lại chạy lên khi buông ra.
  • Tinh hoàn lạc chỗ: là tinh hoàn không nằm trên đường đi của ống bẹn (có thể ở cạnh bàng quang, tầng sinh môn, vùng trước xương mu, đùi, bẹn đối diện).

Khi nào điều trị tinh hoàn ẩn

  • Tinh hoàn ẩn sau sanh thường không tự xuống bìu mà cần phải mổ để đưa xuống.
  • Thời điểm phẫu thuật: thường là 6 tháng, thời điểm này sẽ tối ưu hoá vấn đề sản xuất tinh trùng, hormone sinh dục, cũng như tỉ lệ hoá ác về sau.

Phương pháp điều trị

  • Điều trị đối với tinh hoàn ẩn sờ thấy: phẫu thuật đưa tinh hoàn bị ẩn xuống cố định lại vị trí bình thường ở bìu
  • Điều trị đối với tinh hoàn ẩn trong ổ bụng: nội soi ổ bụng để xác định xem vị trí và kích thước tinh hoàn để có xử trí thích hợp ngay khi đó.

Chăm sóc trước và sau mổ tinh hoàn ẩn

  • Khi chưa được phẫu thuật, cha mẹ chú ý theo dõi những biến chứng có thể xảy ra như trên.
  • Phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn là phẫu thuật trong ngày, bệnh nhân không phải nằm lại viện.
  • Sau khi phẫu thuật, cha mẹ quan sát kích thước tinh hoàn teo nhỏ hơn hay sưng to bất thường hơn thì nên tái khám ngay.
  • Thay băng mỗi ngày, có thể tự thay băng tại nhà.
  • Chỉ khâu phẫu thuật thường là chỉ tự tiêu (tan) nên không cần cắt chỉ, tuy nhiên ngày tái khám bác sĩ đánh giá tình trạng vết mổ có thể cho cắt chỉ sớm ở vị trí nếp bẹn.
  • Bé không cần kiêng ăn hoặc kiêng vận động sau phẫu thuật, tuy nhiên nên hạn chế những vận động mạnh những ngày đầu sau mổ vì đau và vết mổ chưa hoàn toàn lành hẳn.

Biến chứng sau mổ tinh hoàn ẩn

  • Tinh hoàn ẩn tái phát.
  • Xoắn tinh hoàn.
  • Chảy máu vềt mổ.
  • Tụ dịch, tụ máu sau mổ.
  • Nhiễm trùng vết mổ.
  • Teo tinh hoàn.

Theo dõi sau mổ tinh hoàn ẩn

  • Tái khám theo lịch hẹn, thường là mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi tháng, mỗi 6 tháng, mỗi năm cho đến tuổi dậy thì
  • Nêu có biến chứng, nên tái khám lai ngay.

Tài liệu tham khảo:

http://www.mayoclinic.org

http://www.benhviennhi.org.vn

Guidelines on pediatric urology

http://www.urologyhealth.org

https://www.nlm.nih.gov

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*