Thịt dư cạnh hậu môn

Định nghĩa – nguyên nhân

  • Thịt dư cạnh hậu môn là một mẫu da thừa, mọc lên từ hậu môn của bé (hình 1).
  • Nguyên nhân thường gặp nhất là do bé bị táo bón, đi cầu khó và làm nứt hậu môn (hình 1). Vết nứt này lành lại, sẹo lành không thể như da bình thường được và hình thành thịt dư. Nguyên nhân khác là viêm nhiễm, chấn thương hậu môn rất ít gặp.
  • Như vậy, thịt dư và nứt hậu môn do táo bón luôn đi song hành với nhau
Hình 1: Thịt dư cạnh hậu môn kèm nứt hậu môn

Triệu chứng

  • Bệnh nhi thường có tiền căn táo bón. Nhiều bé có thể có bụng trướng, u phân vì không đi tiêu được.
  • Nứt hậu môn làm đau và ngứa vùng hậu môn, đôi khi có thể gây chảy máu và mẫu da thừa xuất hiện.
  • Khi nứt hậu môn tái phát làm mẫu da thừa sưng, đỏ, đau và ngày càng to hơn

Cách thức điều trị như thế nào?

  • Thịt dư chỉ là một mẫu mô sẹo và dư thừa nên không cần điều trị nếu không quá to gây mất thẩm mỹ.
  • Phương pháp phẫu thuật khi cần là cắt bỏ phần thịt dư và khâu lại. Phẫu thuật khá đơn giản nên bệnh nhi được xuất viện ngay trong một ngày. Sau mổ bé sẽ được cho uống thuốc giảm đau, kháng sinh trong vài ngày đầu, người nhà nên vệ sinh thường xuyên vùng hậu môn cho bé bằng betadin pha nước ấm 2 lần/ngày hay sau mỗi lần đi tiêu. Từ ngày thứ 2 trở đi khi vết mổ khô bé sẽ giảm đau. Thông thường vết mổ lành sau 7-10 ngày. Thân nhân có thể cho bé tái khám khi không yên tâm hay có bất kỳ triệu chứng gì khá lạ
  • Trong đa số các trường hợp, mẫu da thừa không cần điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, thân nhân phải chú ý điều trị nguyên nhân, yếu tố thuận lợi làm mẫu da thừa ngày càng to ra đó là táo bón gây nứt hậu môn.
  • Nứt hậu môn gây đau làm bé sợ không dám đi tiêu, phân giữ lại trong đại tràng sẽ bị hấp thu nước trở nên to và rắn tạo ra một vòng xoắn bệnh lý cần giải quyết. Nứt hậu môn thường không cần điều trị thuốc uống mà chỉ cần đặt hậu môn làm cho bệnh nhi giảm đau và dễ chịu hơn. Vết nứt sẽ lành sau 1-2 tuần nếu phân không to, không rắn.
  • Để phân không to và không rắn nhằm tránh nứt hậu môn tái phát và nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lành vết nứt đang có, thân nhân bệnh nhi cần nghiêm túc thực hiện một số việc sau:
    • Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ: nhiều rau, uống đủ nước.
    • Tập thói quen đi tiêu mỗi ngày, hình thành phản xạ cho trẻ. Ngồi cầu đúng quy cách
    • Uống thuốc nhuận trường, thường được sử dụng là Lactulose. Thời gian sử dụng thường là vài tuần đến vài tháng tùy tình trạng táo bón trước đó và việc đáp ứng với hai điều trị phối hợp trên

Chú ý rằng, sau khi điều trị ngoại, nếu tình trạng táo bón vẫn kéo dài thịt dư có thể sẽ xuất hiện lại. Chính vì vậy, việc cải thiện tình trạng táo bón cho bé là quan trọng nhất.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*