Bàng quang thần kinh

Đại cương

  • Bàng quang thần kinh là sự rối loạn chức năng đi tiểu, gây ra do tổn thương hệ thống thần kinh chi phối hoạt động của bàng quang.
  • Nguyên nhân: do bẩm sinh và mắc phải.

Nguyên nhân

  • Bẩm sinh: thoát vị tủy màng tủy, bất sản xương cùng, tật đốt sống chẻ đôi ẩn…
  • Mắc phải: chấn thương tủy sống, u quái cùng cụt, viêm tủy…

Chẩn đoán

  • Trẻ đi tiểu không kiểm soát, nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần.
  • Tiền căn trẻ có phẫu thuật liên quan đến cột sống, những bất thường cột sống bẩm sinh.
  • Trẻ đã từng chấn thương vùng xương chậu đùi hoặc tủy sống sau tai nạn.
  • Dựa vào kết luận xét nghiệm niệu động học. Những trường hợp bệnh nhi nhỏ hơn 5 tuổi và những bé không hợp tác để đo niệu động học thường phải dựa vào nhiều yếu tố: tiền căn, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm hình ảnh khác.

Một số xét nghiệm cần làm?

  • Siêu âm bụng thường quy: đánh giá thành bàng quang, bể thận và niệu quản xem có giãn không? đo thể tích nước tiểu tồn lưu.
  • Chụp X-quang bàng quang cản quang lúc tiểu: hình ảnh bàng quang, giúp phát hiện trào ngược bàng quang lên niệu quản (hình 1).
  • Niệu động học: đánh giá được thể tích bàng quang, thể tích nước tiểu tồn lưu sau khi tiểu, vận động của cơ thắt niệu đạo, độ giãn nở của bàng quang…
  • Chụp MRI cột sống đánh giá tổn thương hoặc những bất thường bẩm sinh khác.
  • Chụp xạ hình thận giúp đánh giá chức năng thận, tổn thương trên thận…
  • Xét nghiệm chức năng thận, và một số xét nghiệm máu khác.
Hình 1: Hình ảnh bàng quang thần kinh trên phim XQ
Đầu mũi tên đen: bàng quang (bên trái: bình thường; bên phải: bàng quang thần kinh với bờ nham nhở).
Đầu mũi tên trắng: trào ngược niệu quản.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị

  • Bảo vệ sự nguyên vẹn chức năng thận bằng việc điều trị và phòng ngừa tốt nhiễm trùng đường tiểu tái phát, hạn chế trào ngược bàng quang-niệu quản diễn tiến nặng hơn.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng tiểu với kháng sinh điều trị và dự phòng khi cần thiết
  • Chống són nước tiểu nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống
  • Theo dõi nếu trường hợp bé dưới 5 tuổi, xét nghiệm tầm soát không thấy tổn thương thận, có són nước tiểu liên tục, thông tiểu ngắt quãng không ra thêm nước tiểu.

Thông tiểu sạch ngắt quãng

  • Thông tiểu sạch ngắt quãng là một thủ thuật để thoát nước tiểu thông qua việc đặt một ống thông qua niệu đạo vào bàng quang (hình 2). Sau khi thoát hết nước tiểu, ống thông sẽ được rút ngay.
  • Mục đích: thoát nước tiểu trọn vẹn khỏi bàng quang với áp suất thấp, tránh ứ đọng nước tiểu trong bàng quang vì dễ gây nhiễm trùng tiểu.
  • Thông tiểu sạch ngắt quãng là phương pháp điều trị lâu dài, an toàn và hiệu quả trong điều trị bàng quang thần kinh ở trẻ em.
  • Đây là thủ thuật được thực hiện bởi thân nhân của bệnh nhi tại nhà sau khi đã được hướng dẫn kỹ bởi nhân viên y tế.
  • Lưu ý
    • Lựa chọn ống thông phù hợp lứa tuổi (được hướng dẫn bởi nhân viên y tế).
    • Chỉ cần rửa tay sạch trước khi thực hiện thủ thuật là đủ.
    • Dùng chất bôi trơn ống thông đễ dễ đặt.
    • Ống thông tiểu được rút ngay sau khi đã thoát hết nước tiểu, rửa sạch và có thể tái sử dụng đến 3-4 tuần.
    • Trẻ có thể được đặt mỗi 3-4 giờ. Khoảng thời gian giữa 2 lần có thể ngắn hơn nếu thể tích bàng quang nhỏ.
Hình 2: Thông tiểu sạch ngắt quãng

Khi nào cần phẫu thuật?

  • Trẻ nhỏ có áp lực bàng quang cao, tổn thương thận trên xạ hình thận mà không thể xử lí bằng nội khoa.
  • Trẻ có thể tích bàng quang nhỏ, tăng trương lực.
  • Trẻ không đặt được thông tiểu ngắt quãng qua lỗ tự nhiên.

Phương pháp phẫu thuật ra sao?

  • Mở bàng quang ra da.
  • Mở rộng bàng quang bằng ruột.
  • Phẫu thuật Mitrofanoff (hình 3): dùng trong trường hợp trẻ không thể thực hiện bằng thông tiểu sạch ngắt quãng qua niệu đạo.
Hình 3: Phẫu thuật Mitrofanoff

Theo dõi và tái khám

  • Theo dõi tình trạng nhiễm trùng tiểu, viêm da quanh lỗ mở bàng quang, sa niêm mạc bàng quang. Tái khám sau 3 tháng, 6 tháng và 1 năm đánh giá lại hệ niệu sinh dục.
  • Kỹ thuật Mitrofanoff: tái khám sau 1 tháng để đánh giá tình trạng vết mổ.

Tài liệu tham khảo

  • Lê Tấn Sơn, Nguyễn Thị Trúc Linh (2018), “ Bàng quang thần kinh”. Ngoại nhi lâm sàng, Nhà xuất bản Y Học. tr. 658-662.
  • Lima M.,Di Lorenzo F., Messina P., Greco L. (2006), “Clean intermittent catheterization”, Pediatric neurogenic bladder dysfunction, Springers, pp. 161-168.
  • Steinbrecher H.A., Padraig S Malone and Anthony MK Rickwood (2008), “Neuropathic bladder”, Essential of Pediatric Urology. 2nd edi, Informa Healthcare, pp. 171-188.
  • Stuart B.B. (2007), “Neurogenic voiding dysfunction and non-surgical management”, Clinical Pediatric Urology, 5th edi, Informa Healthcare, pp. 207-216.
  • Yeung C.K., Barker G.M., and Lackgren G. (2010), “Pathophysiology of bladder dysfunction”, Gearhart Pediatric Urology, 2nd edi, Elsevier Saunders, pp. 353-365.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*