Đại cương
- Lõm ngực là dị dạng bẩm sinh thường gặp nhất của lồng ngực do sự bất thường trong tăng trưởng của sụn nối xương sườn với xương ức làm cho xương ức bị lõm xuống và hình dạng của ngực trước lõm giống như cái phễu (hình 1).
- Bệnh thường gặp ở bé trai, 90% được chẩn đoán trong năm đầu đời. Sau đó, ngực lõm ngày càng sâu, biểu hiện rõ là có thể có triệu chứng trong giai đoạn tiền dậy thì-dậy thì.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn tới dị tật bẩm sinh này vẫn chưa được biết đến.
Các thể lõm ngực
- Thể lõm đơn thuần, tức là lõm xương ức cân đối, chỉ lõm phần dưới cùng của xương ức (hình 2).
- Thể lõm không cân đối, tức là lõm lệch, chỉ lõm một bên, không lõm đều cả 2 bên.
- Thể nửa lồi nửa lõm, tức là thông thường phần trên của xương ức sẽ lồi ra và phần dưới xương ức lõm lại.
Triệu chứng
- Những trường hợp lõm sâu sẽ thấy ngay vết lõm ở ngực; ngực trẻ lép, mỏng; vùng lồng ngực chính giữa 2 núm vú lõm sâu xuống như hình đáy chén.
- Ngoài ra trẻ còn có thể có các triệu chứng:
- Đau vùng trước ngực sau vận động thể lực.
- Đánh trống ngực, hơi thở ngắn sau gắng sức
- Hạn chế với một số loại hoạt động thể chất
- Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên
- Ho hoặc khò khè
- Nhiều trẻ khi sinh ra với lõm ngực thì không cần điều trị, do tình trạng lõm ngực rất nhẹ, tuy nhiên có những trường hợp nghiêm trọng hơn thì lõm ngực này có thể đè lên tim và phổi. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến tim và phổi thường không đáng kể và chỉ xảy ra khi tập thể dục với cường độ mạnh.
- Ngoài ra, khoảng 15% trẻ mắc lõm ngực bẩm sinh sẽ phát triển thành vẹo cột sống.
Cận lâm sàng
- Xquang ngực thẳng-nghiêng nhằm đánh giá dị dạng cột sống, xương sườn, xương ức
- CT scan ngực: Chụp CT được sử dụng giúp xác định mức độ lõm của xương ức và mức độ đè đẩy lên tim và trung thất của trẻ. Chụp CT ngực rất cần thiết vì cung cấp chỉ số Haller (HI). Chỉ số HI là tỷ lệ giữa đường kính ngang và đường kính trước sau của lồng ngực (tại vị trí mà xương ức lõm nhất). Bình thường, chỉ số này khoảng 2,5 và nếu chỉ này trên 3,25 thì trẻ này được xác định là mức độ lõm ngực nghiêm trọng.
- Siêu âm tim: đánh giá chức năng và hình thái tim
- Đo chức năng hô hấp
Biến chứng
- Ảnh hưởng thẩm mỹ
- Vẹo cột sống: bởi khi lõm lệch sang một bên, cột sống sẽ cong về bên kia bù trừ.
- Ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Lõm nặng quá, hô hấp sẽ kém hơn vì lồng ngực không giãn nở đủ tốt, không đủ thể tích cho phổi nở trao đổi oxy.
- Lâu dài vết lõm chèn ép vào tim sẽ gây hở van tim.
Điều trị
Chỉ định phẫu thuật
- Nhu cầu thẫm mỹ
- Ảnh hưởng chức năng tim phổi: giới hạn hoạt động thể lực, giảm dung tích sống, rối loạn nhịp tim
- Đau ngực
- Ảnh hưởng tâm lý
Thời điểm: Các khuyến cáo hiện nay độ tuổi phẫu thuật là từ 5-20 tuổi. Độ tuổi lý tưởng từ 8-12 tuổi.
Phương pháp phẫu thuật:
- Phẫu thuật nội soi đặt thanh nâng ngực (phẫu thuật Nuss) (1987).
- Trẻ được đặt ống nội khí quản, gây mê toàn thân
- Tư thế nằm ngửa
- Đo kích thước lồng ngực, lựa chọn thanh nâng phù hợp.
- Phẫu thuật nội soi vào khoang màng phổi, đặt camera quan sát, luồn thanh nâng đã được uốn cong vào lồng ngực (trước tim, sau xương ức). Sau đó, phẫu thuật viên xoay thanh, đưa chiều cong xuống dưới, đẩy xương ức lõm về tư thế trung gian (hình 3)
Chăm sóc sau mổ
- Duy trì tê ngoài màng cứng 3 ngày sau mổ để giảm đau tốt, thuốc an thần, sau đó chuyển sang thuốc giảm đau dạng uống.
- Kháng sinh tiếp tục ít nhất 48 giờ sau mổ.
- Vận động: vận động nhẹ nhàng giữ lưng thẳng trong 7 ngày đầu, vận động nhiều hơn sau 1 tháng, chơi thể thao sau 3 tháng.
- Thời gian nằm viện trung bình: 7 ngày
Theo dõi và tái khám
- Trẻ được khám lại sau mổ 1 tuần, 1 tháng, và sau mỗi 6 tháng. Nhằm đánh giá xương ức có duy trì ở tư thế phẳng, thanh nâng có di lệch hay không.
- Sau 2 năm từ ngày phẫu thuật, xương ức đã ổn định, cứng chắc ở tư thế phẳng, bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật lần 2 để rút thanh nâng.
Tài liệu tham khảo
- Rha EY, Kim JH, Yoo G, Ahn S, Lee J, Jeong JY. Changes in thoracic cavity dimensions of pectus excavatum patients following Nuss procedure. J Thorac Dis. 2018 Jul;10(7):4255-4261.
- Fortmann C, Petersen C. Surgery for Deformities of the Thoracic Wall: No More than Strengthening the Patient’s Self-Esteem? Eur J Pediatr Surg. 2018 Aug;28(4):355-360.
- Schwabegger AH. Deformities of the Thoracic Wall: Don’t Forget the Plastic Surgeon. Eur J Pediatr Surg. 2018 Aug;28(4):361-368.
Be the first to comment