Lymphoma

1. Đại cương

  • Lymphoma là một loại ung thư ảnh hưởng đến hệ thống bạch huyết.
  • Hệ thống bạch huyết (hình 1) là một phần của hệ thống miễn dịch, hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại nhiễm khuẩn và bệnh tật. Đây là một hệ thống phức tạp được tạo nên từ tuỷ xương, tuyến ức, lách và các hạch bạch huyết ở khắp nơi trên cơ thể. Chúng được kết nối với nhau bởi một mạng lưới các mạch bạch huyết nhỏ.
  • Lymphoma bao gồm Lymphoma Hodgkin và Lymphoma không Hodgkin. Là nhóm bệnh ung thư đứng hàng thứ ba và thường gặp của ung thư trên trẻ em, sau bạch cầu cấp dòng lympho và ung thư não. Trong khi Lymphoma Hodgkin chỉ chiếm một tỷ lệ thấp đối với trẻ em và thanh thiếu niên thì Lymphoma không Hodgkin lại chiếm một tỷ lệ cao ở nhóm trẻ em dưới 15 tuổi.
Hình 1: Cấu trúc hệ bạch huyết

Bảng 1: Một số đặc điểm phân biệt Lympho Hodgkin và không Hodgkin

Đặc điểmHodgkinKhông Hodgkin
Mức độ phổ biến Ít gặpThường gặp
Vị tríKhởi phát từ một hoặc nhiều hạch từ cổ, ngực, nách, sau đó lan sang các nhóm hạch vùng lân cậnThường khởi phát ngoài hạch và ở các cơ quan khác nhau trong cơ thể
Mô họcTế bào Reed-SternbergKhông có tb Reed-Sternberg
Thời điểm được chẩn đoánThường ở giai đoạn đầuThường ở giai đoạn bệnh tiến triển

2. LYMPHOMA HODGKIN

  • Là ung thư ít gặp ở trẻ em, chiếm 40% các loại lymphoma, chiếm 5% các ung thư ở trẻ em. Tần suất mắc 1/25.000 trẻ.
  • Thường gặp ở nam nhiều hơn, tỉ lệ nam/nữ = 3/1.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

  • Nguyên nhân chính xác của bệnh u lympho Hodgkin chưa được biết rõ. Một số yếu được cho là có liên quan đến Lymphoma Hodgkin: nam giới, nhiễm virus đơn nhân, HIV/AIDS, tiền sử gia đình bị Lymphoma Hodgkin, dùng Hormon tăng trưởng kéo dài, nhiễm độc (chất độc màu da cam)…

Triệu chứng

  • Sưng to nhưng không đau của một hạch, hoặc một nhóm các hạch kéo dài trong vài tuần. Những hạch đầu tiên bị ảnh hưởng thường là ở cổ, hầu hết thường chỉ ở một bên cổ, ở một vùng nhỏ trên xương đòn. Đôi khi, các hạch to ra có thể dính với nhau ở vùng nách hoặc bẹn.
  • Ho, khó thở (nếu các hạch ở ngực bị ảnh hưởng).
  • Đôi khi, trẻ có thể sốt cao, ra mồ hôi về đêm, ngứa, khó chịu hoặc bị sút cân.
Hình 2: Hạch lớn ở cổ ở bệnh nhân Lymphoma Hodgkin
“Nguồn: Al-Salem, 2014”.

Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu: công thức máu, đông máu, chức năng gan thận, protein, albumin, LDH, acid uric, định lượng kháng thể (IgA, IgG, IgM), kháng thể VZV, CMV, EBV, HSV, HIV, HCV-PCR, Toxoplasmosis.
  • XQ ngực
  • CT/ MRI cổ ngực bụng chậu
  • Điện tâm đồ, siêu âm tim
  • Sinh thiết tủy xương (nếu cần)
  • Nội soi họng thanh quản (nếu cần)
  • Sinh thiết hạch làm giải phẫu bệnh.

Chẩn đoán

  • Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán Lymphoma Hodgkin là kết quả giải phẫu bệnh

Phân giai đoạn/nhóm bệnh

  • “Giai đoạn” là một thuật ngữ dùng để mô tả kích thước và vị trí của ung thư và có di căn không. Điều này rất quan trọng bởi vì loại điều trị được áp dụng cho bệnh nhi phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh.
  • Hệ thống phân loại của bệnh Hodgkin là:
    • Giai đoạn I: Một nhóm các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng nhưng u lympho chỉ ở một phía của cơ hoành (dải cơ dưới phổi, kiểm soát sự thở).
    • Giai đoạn II: Hai hoặc nhiều hơn các nhóm hạch bạch huyết bị ảnh hưởng và u lympho chỉ bị ở một phía của cơ hoành.
    • Giai đoạn III: Có các tế bào u lympho trong các hạch bạch huyết ở trên và dưới cơ hoành. Lách cũng có thể bị tổn thương.
    • Giai đoạn IV: U lympho đã lan tràn ra ngoài các hạch bạch huyết, ví dụ như đến gan, phổi hoặc tuỷ xương.
  • Phân nhóm:
    • A: không có các triệu chứng nào của nhóm B
    • B: sốt, giảm cân đáng kể (hơn 1/10 trọng lượng cơ thể trong 6 tháng gần đây nhất) hoặc ra mồ hôi ban đêm.
    • E: xâm lấn 1 cơ quan ngoài hạch tiếp giáp hoặc gần hạch

Điều trị

  • Lymphoma Hodgkin có thể được điều trị bằng hóa trị, xạ trị, ghép tế bào gốc tạo máu…
  • Việc lựa chọn chiến lược điều trị phù hợp dựa vào tuổi, giới, giai đoạn bệnh, mô học…
    • Hóa trị: dùng thuốc để tiêu diệt hoặc ngăn tế bào ung thư phát triển. Nếu thuốc được đưa vào cơ thể qua đường uống hay tĩnh mạch, nó sẽ đi theo tuần hoàn đến khắp nơi. Nếu thuốc được đưa trực tiếp vào mô, chẳng hạn qua tiêm vào kênh tủy, thuốc sẽ tập trung ở vị trí cụ thể. Tùy vào loại tổn thương, nhóm bệnh, giai đoạn mà bác sĩ quyết định cách dùng thuốc.
    • Xạ trị: dùng tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Có thể tia xạ từ ngoài cơ thể bằng máy chiếu xạ hoặc tia xạ từ bên trong bằng các hạt chứa chất phóng xạ.
    • Hóa trị liều cao và ghép tế bào gốc: dùng các thuốc có khả năng tiêu diệt tế bào mạnh, liều cao để tiêu diệt toàn bộ các tế bào tạo máu, bao gồm cả tế bào bình thường và tế bào ung thư, sau đó truyền tế bào gốc (lấy từ chính bệnh nhân hay một người cho khác) lại cho bệnh nhân.

Tiên lượng

  • Tỉ lệ sống 5 năm sau điều trị cao, >90% ở bệnh nhân giai đoạn I, II; 70%  ở bệnh nhân giai đoạn III và IV.

3. LYMPHOMA KHÔNG HODGKIN

  • Lymphoma không Hodgkin là tên gọi chung một nhóm những ung thư bắt nguồn từ hệ bạch huyết mà không phải phải Lymphoma Hodgkin
  • Những Lymphoma không Hodgkin hay gặp ở trẻ em là: Lymphoma Burkitt (chiếm 30-50% lymphoma ở trẻ em), lymphoblastic lymphoma và small noncleaved lymphoma.

Yếu tố nguy cơ: các yếu tố nguy cơ có liên quan đến bệnh lymphoma không Hodgkin bao gồm: từng điều trị ung thư, nhiễm virus Epstein-Barr (EBV) hay virus HIV, suy giảm miễn dịch do thuốc, bệnh lý bẩm sinh hay ghép tế bào gốc trước đó…

Triệu chứng

  • Có khối u ở đầu, cổ, phần trên cơ thể, hoặc cánh tay, tinh hoàn…
  • Hạch bạch huyết ở cổ, nách, dạ dày, hoặc bẹn sưng to nhưng không đau
  • Khó thở, khò khè, thở rít, ho…
  • Khó nuốt.
  • Đôi khi trẻ có thể: sốt không rõ nguyên nhân, sụt cân, đổ mồ hôi đêm.

Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm chức năng gan, thận, công thức máu
  • Tủy đồ và Sinh thiết tủy xương
  • Sinh thiết hạch, mô khối u làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán
  • Các xét nghiệm hình ảnh để đánh giá giai đoạn bệnh: CT Scan, PET Scan, MRI…
  • Các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán và đánh giá nguy cơ: Dấu ấn miễn dịch, FISH, Nhiễm sắc thể đồ, PCR…

Khả năng điều trị thành công? Các yếu tố ảnh hưởng đết kết quả điều trị

  • Loại lymphoma.
  • Vị trí khởi phát hoặc vị trí phát hiện ung thư
  • Giai đoạn bệnh
  • Có bất thường chất liệu di truyền (nhiễm sắc thể ) không
  • Thuốc điều trị ban đầu
  • Đáp ứng với điều trị ban đầu
  • Độ tuổi và sức khoẻ chung của bệnh nhân

Điều trị

  • Có nhiều phương pháp điều trị cho bệnh Lymphoma không Hodgkin ở trẻ em tùy thuộc vào loại lymphoma, vị trí, giai đoạn bệnh,…. Những phương pháp điều trị chính trong lymphoma không Hodgkin:
    • Hóa trị
    • Xạ trị
    • Liệu pháp nhắm trúng đích: Dùng các thuốc đặc biệt để tấn công chính xác vào tế bào ung thư mà không làm hại tế bào bình thường. Các tế bào ung thư thường mang các phân tử lạ, và các phân tử này là đích ngắm của các thuốc nhắm trúng đích.
    • Hóa trị liều cao và ghép tế bào gốc

Tiên lượng

  • Tiên lượng bệnh tốt trên trẻ u lympho không hodgkin giai đoạn I hoặc II của bất cứ phân loại dưới mô học nào mà được điều trị hoá trị theo phác đồ đầy đủ. Tỷ lệ sống sau 5 năm thay đổi từ 85% đến 95% và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong liên quan đến hoá trị liệu. Di chứng muộn của việc điều trị bao gồm bệnh tim vô căn và sự vô sinh có thể liên quan đến Cyclophosphamide.
  • Ở bệnh nhân giai đoạn bệnh tiến triển: tỷ lệ sống còn dao động từ 65 đến 75%.

4. TÁI KHÁM THEO DÕI

Sau điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi thời gian dài để đánh giá biến chứng của điều trị, và xem bệnh có tái phát không.

Tài liệu tham khảo

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*